|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch Kocham: Dự án bán dẫn giá trị hàng chục tỷ USD, nếu không ưu đãi doanh nghiệp rất khó 'xuống tiền'

14:31 | 12/01/2024
Chia sẻ
Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Kocham, các dự án bán dẫn có quy mô rất lớn lên tới hàng chục tỷ USD vậy nên rủi ro cũng rất lớn. Vì vậy, nếu Việt Nam chưa có sự đảm bảo về khuôn khổ pháp lý, ưu đãi, hỗ trợ chắc chắn cho các doanh nghiệp thì rất khó để họ đưa ra các quyết định đầu tư.

Việc chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax - GMT) là một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ ảnh hưởng tới vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo quy định này, các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 800 triệu USD trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất sẽ chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất là 15%.

Ưu điểm của chính sách thuế này là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, tránh trốn thuế… Nếu áp dụng, có thể kiểm soát được các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn hơn, tránh thất thu thuế.

Tuy nhiên, sức cạnh tranh trong thu hút vốn FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham).

- Việt Nam đã chính thức thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, điều này sẽ có tác động như thế nào với các doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc?

Ông Hong Sun: Hàn Quốc đang có hàng trăm doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam liên quan trực tiếp đến thuế tối thiểu toàn cầu do có mức doanh thu trên 800 triệu USD. Sau khi áp dụng biểu thuế này, trung bình các doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm 7 - 8% thuế thu nhập doanh nghiệp so với mức hiện tại.

Vì vậy, các doanh nghiệp FDI đang rất quan tâm đến vấn đề này bởi cho đến nay chúng tôi chưa có thông tin về việc Chính phủ sẽ ưu đãi như thế nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Từ trước đến nay, dòng vốn FDI luôn là một động lực quan trọng với nền kinh tế của đặc biệt là với lĩnh vực xuất khẩu khi chiếm hơn 73% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu điện thoại, linh kiện hàng đầu thế giới nhờ sự gia nhập của các tập đoàn lớn như Samsung hay LG.

Từ cuối năm ngoái, FDI đăng ký mới vào Việt Nam đã tăng trở lại trong đó tập trung vào hai lĩnh vực chế biến chế tạo và bất động sản. Tuy nhiên, theo tôi dòng vốn FDI đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn, vừa giải quyết các vấn đề về lao động vừa xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam.

Vì vậy, các doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về ưu đãi cho doanh nghiệp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

- Công nghệ cao hay bán dẫn là những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm trong thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới. Vậy Việt Nam cần gì để hấp dẫn những dự án trong các lĩnh vực trên? 

Năm 1992, Tập đoàn Samsung đã đứng số 1 tại thị trường nội địa Hàn Quốc. Khi ấy doanh thu của Samsung có 95% từ nội địa và chỉ 5% từ xuất khẩu. Nhưng sau đó, Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee đã thay đổi chiến lược đặt trọng tâm vào xuất khẩu ra toàn cầu.

Nhờ có cuộc cải cách này, Samsung đã trở thành một tập đoàn lớn mạnh và là một trong những gã khổng lồ về công nghệ lớn nhất thế giới như hiện nay. Giờ đây, doanh thu của Samsung có tới 95% từ thị trường quốc tế và chưa đến 5% từ nội địa.

Câu chuyện này cho thấy muốn phát triển cần vươn ra thế giới, hướng đến xuất khẩu.

Việt Nam cũng vậy, các doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào Việt Nam vì lợi thế lao động giá rẻ, kỹ năng của người lao động, thời kỳ dân số vàng nhưng nếu giai đoạn này qua đi, chưa chắc các doanh nghiệp FDI không tìm thêm những quốc gia mới như Myanmar, Bangladesh hay Ấn Độ để chuyển dịch nhà máy.

Với Hàn Quốc, Việt Nam vẫn hấp dẫn do có sự gần gũi về văn hoá nhưng với các quốc gia khác thì cần có chiến lược để giữ chân nhà đầu tư.

Để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao trong những lĩnh vực như chất bán dẫn, Việt Nam cần tận dụng giai đoạn này khi vừa có lợi thế về nhân công vừa đưa ra các ưu đãi thu hút các nhà đầu tư.

Các ngành công nghệ cao họ quan tâm nhiều hơn đến ưu đãi về thuế hơn là giá lao động bởi đặc trưng của các ngành này sử dụng ít lao động nhưng sử dụng nhiều trang thiết bị. Với mỗi dự án họ đầu tư hàng tỷ USD nên nếu không có ưu đãi đặc biệt thì rất ít doanh nghiệp lựa chọn đầu tư.

- Chính phủ Việt Nam hiện đang xây dựng các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Kocham có đề xuất, kiến nghị gì hay không, thưa ông?

Hiện nay Chính phủ Việt Nam chưa có Nghị định quy định cụ thể về ưu đãi dành cho các doanh nghiệp.

Ưu đãi thuế là một trong những điều điện quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhất là ở các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn hoặc các ngành công nghệ cao mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư.

Chúng tôi cho rằng Việt Nam nên học hỏi các chính sách ưu đãi của các quốc gia như Mỹ hay Hàn Quốc trong thu hút đầu tư chất lượng cao, không chỉ là thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn là các biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt đặc biệt là trong các lĩnh vực bán dẫn hay công nghệ cao.

Đây là một trong những điều kiện cần thiết để hấp dẫn nhà đầu tư. Quy mô của một dự án ngành bán dẫn không chỉ là một vài tỷ USD mà còn lên tới hàng chục tỷ USD. Gần đây Samsung đang mở rộng một nhà máy chất bán dẫn tại Mỹ với số vốn dự kiến ban đầu chưa đến 20 tỷ USD nhưng do lạm phát tổng mức đầu tư của dự án này đã đạt trên 20 tỷ USD.

Ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào từng đầu tư dự án lớn tới vậy nên với các nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro khi đầu tư cũng rất lớn. Do đó, nếu chưa có sự đảm bảo về khuôn khổ pháp lý, ưu đãi, hỗ trợ chắc chắn cho các doanh nghiệp thì rất khó để họ đưa ra các quyết định đầu tư.

Những ưu đãi nhằm “bù đắp” cho doanh nghiệp sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể dưới dạng ưu đãi bằng tiền mặt nhưng chỉ dành cho các doanh nghiệp cam kết tiếp tục mở rộng hoặc cho các hoạt động nghiên cứu R&D để nâng cao hiệu quả đầu tư vào Việt Nam, tạo ra giá trị, an sinh xã hội.

Nếu Chính phủ Việt Nam thực sự muốn thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao và chất bán dẫn thì cần có sự hỗ trợ nhất định và các chính sách kiên định thì họ mới dám đầu tư.

Chất bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp hết sức cần thiết, đối với bất kỳ ngành nào từ sản xuất ô tô, điện thoại, điện tử đóng tàu nếu không có chất bán dẫn đều rất khó phát triển.

Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng bên cạnh việc tiếp tục cải cách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách thu hút trợ lực tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. 

Việt Nam hiện đã có một số dự án trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng chưa có dự án nào quy mô tới vài chục tỷ USD. (Nguồn: HSBC tổng hợp).

- Với những nỗ lực của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, ông đánh giá như thế nào về triển vọng đầu tư FDI vào Việt Nam cũng như tăng trưởng GDP năm 2024?

Sau 35 năm mở cửa cho FDI, Việt Nam hiện đã trở thành một quốc gia sản xuất công nghiệp rất mạnh. Chúng tôi dự báo, nếu kinh tếtoàn cầu phục hồi, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh và tăng trưởng GDP cũng đạt từ 6 - 7%.

Điều này xuất phát từ những nền tảng vững chắc trong các năm gần đây. Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc có xu hướng sụt giảm trong một vài năm trở lại đây trừ năm 2023 Việt Nam lại tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng chuyển sang sản xuất ở Việt Nam. Các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam khá tốt, Chính phủ cũng giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, mức lương tối thiểu phù hợp và vẫn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng đang trong giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên, giai đoạn này chỉ kéo dài từ 10 - 15 năm.

Qua giai đoạn này Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn thu nhập người dân tăng cao nhưng dân số già hoá dân số, người lao động ít đi. 

Nếu không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và nắm bắt cơ hội này để vươn lên thành quốc gia phát triển thì tăng trưởng GDP sẽ chậm lại và không còn cơ hội nào khác.

Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng xem đâu sẽ là những động lực trong tăng trưởng giai đoạn tiếp theo, sau khi giai đoạn dân số vàng đi qua và thu hút dòng vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp cao, ít sử dụng lao động. Nếu không nỗ lực thì sẽ để vuột mất cơ hội duy nhất để vươn lên thành quốc gia phát triển này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.