|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Hòa Phát chào bán 50.000 tấn phôi thép/tháng cho Kyoei (Nhật Bản)

10:38 | 10/10/2019
Chia sẻ
Tập đoàn Kyoei (Nhật Bản) và Tập đoàn Hòa Phát thống nhất thành lập một tổ công tác để nghiên cứu các nội dung hợp tác giữa hai bên, trong đó có việc Hòa Phát muốn cung cấp 50.000 tấn phôi thép hàng tháng cho Kyoei.
Chủ tịch Hòa Phát chào bán 50.000 tấn phôi thép/tháng cho Kyoei (Nhật Bản) - Ảnh 1.

Buổi làm việc giữa đoàn đại diện Tập đoàn Hòa Phát (bên trái) và Tập đoàn Kyoei (bên phải) ngày 8/10. Ảnh: Hòa Phát.

Ngày 8/10 vừa qua, đoàn công tác của Tập đoàn Thép Kyoei đã đến thăm và làm việc với CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG). 

Ông Hideichiro Takashima, Chủ tịch Tập đoàn Thép Kyoei chia sẻ Kyoei là một trong những công ty Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào Việt Nam cách đây 25 năm với việc thành lập liên doanh Công ty TNHH Thép Vina Kyoei tháng 1/1994 tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Hiện nay Kyoei có hai công ty sản xuất thép là Vina Kyoei ở miền Nam và Công ty Thép Kyoei Việt Nam – KSVC ở miền Bắc. Theo lời chủ tịch Hideichiro Takashima, "Nhà máy KSVC ở tỉnh Ninh Bình mỗi tháng đã mua 5.000 tấn phôi thép của Hòa Phát và muốn tăng con số này lên gấp nhiều lần".

Theo tin từ Hòa Phát, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đã khẳng định Hòa Phát có thể cung cấp ổn định cho các nhà máy của Kyoei 50.000 tấn phôi thép chất lượng mỗi tháng với giá cả cạnh tranh, vì phôi thép của Hòa Phát được nấu luyện từ công nghệ lò cao trên dây chuyền của châu Âu (Danieli).

Chủ tịch Hòa Phát cũng cho biết, chính sách nhất quán của Tập đoàn từ trước tới nay là hợp tác cùng phát triển với các đối tác một cách lâu dài, đơn cử như việc Hòa Phát đã từng hợp tác với Mikasa – Nhật Bản được gần 30 năm. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng có nhu cầu hợp tác với Kyoei về cung cấp thép phế.

"Phôi thép của Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất ra lò sau khoảng 48 giờ từ cảng Hòa Phát Dung Quất đã có thể vào tới Bà Rịa – Vũng Tàu cho nhà máy Vina Kyoei chạy cán thép ngay" – Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh.

Kết thúc cuộc gặp, hai bên đã thống nhất sau chuyến thăm này sẽ thành lập một tổ công tác để triển khai các nội dung hợp tác giữa hai Tập đoàn.

HPG self (5)

Một cửa hàng bán sản phẩm thép Hòa Phát ở Hà Nội. Ảnh: Kiên Dương

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây, thép Hòa Phát có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với đa phần các nhà sản xuất thép trong nước khác và ngang bằng với một nhà sản xuất thép tầm trung của Trung Quốc nhờ hai nguyên nhân:

Thứ nhất, Hòa Phát sản xuất bằng công nghệ lò cao BOF, với nguyên liệu đầu vào chủ yếu bao gồm quặng sắt và than cốc cho chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với sản xuất bằng công nghệ lò điện EAF với nguyên liệu đầu vào là thép phế và điện.

"Hiện tại, ở Việt Nam, để sản xuất thép xây dựng, chỉ có Hòa Phát và Gang thép Thái Nguyên (Tisco) sử dụng công nghệ lò cao. Tuy nhiên, hệ thống dây chuyền, máy móc của Tisco đã quá cũ và lạc hậu vì thế hiệu quả hoạt động của Tisco không tốt bằng Hòa Phát", KBSV nhận định.

Thứ hai, Hòa Phát có lợi thế qui mô lớn hơn hẳn các nhà sản xuất thép khác, nhờ đó tiết giảm được chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và tỉ trọng chi phí cố định trên từng đơn vị sản phẩm.

Chủ tịch Hòa Phát chào bán 50.000 tấn phôi thép/tháng cho Kyoei (Nhật Bản) - Ảnh 3.

Giá thép xây dựng D10 của một số nhà sản xuất thép ở phía Bắc, thép Hòa Phát có giá rẻ hơn. Nguồn: KBSV.

Kiên Dương