|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Hoà Bình làm người đại diện phần vốn tại công ty đầu tư HBI

11:05 | 11/11/2019
Chia sẻ
Sáng ngày 11/11, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Hòa Bình đã ra Nghị quyết chấp thuận Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, ông Lê Viết Hải sẽ là người đại diện phần vốn góp của Hòa Bình tại CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình (HBI).

HBI là công ty con sở hữu 98% bởi Hòa Bình, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN), khu dân cư, đầu tư và liên doanh nhiều ngành nghề liên quan đến xây dựng.

HBI là chủ đầu tư các dự án như Khu phức hợp Imperia Garden tại Hà Nội, hay Khu dân cư Long Hậu Hòa Bình nằm tại Khu công nghiệp Long Hậu 4, tỉnh Long An.

Trong năm 2018, HBI đạt doanh thu 99 tỉ đồng và lãi sau thuế 0,8 tỉ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đặt chỉ tiêu năm 2019 với doanh thu 107 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng đột biến lên 25,6 tỉ đồng, với kế hoạch bàn giao cho thuê hạ tầng KCN.

Cụ thể, HBI dự kiến hoàn thành nhà xưởng ở KCN  Long Hậu và bàn giao cho thuê trong năm 2019. Đồng thời, Công ty sẽ đầu tư thêm 2 nhà xưởng ở KCN Hòa Bình và cho thuê luôn trong năm này, đi kèm với đó là phát triển thêm các dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí, giáo dục,… tại KCN.

Bên cạnh đó, phía HBI từng cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm và thực hiện các công trình của Hòa Bình ở TP HCM, Phú Quốc, và dự tính lấy đó để phát triển đội ngũ nhằm tạo tiền đề thực hiện các công trình lớn hơn hoặc làm tổng thầu vào năm sau.

Về phần Hòa bình, giữa bối cảnh thị trường xây dựng cũng như bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 của Công ty vẫn duy trì được mức tăng 6,9% so với cùng kì năm trước, đạt 13.646 tỉ đồng. 

Dù vậy, Hoà Bình cũng gặp nhiều khó khăn khi các khoản phải thu tiếp tục tăng trong khi doanh nghiệp phải gồng mình trả lãi vay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ Hoà Bình đã sụt giảm hơn một nửa xuống còn 243,5 tỉ đồng.

Thừa Vân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.