Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: Grabtaxi coi thường pháp luật Việt Nam
Sau hai năm hoạt động nhưng hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau về định danh của loại hình vận tải kết nối bằng công nghệ của Uber và Grab.
Uber, Grab được cho là đang "lấn át" taxi truyền thống (Ảnh minh họa: KT).
Taxi truyền thống lo "lép vế"
Phát biểu tại hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 23/1 tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, việc đưa khoa học công nghệ vào kết nối và quản lý hoạt động vận tải là phù hợp với xu thế của thế giới, tạo ra động lực cho sự thay đổi đối với các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, ông Hùng cho biết: Các quốc gia trên thế giới đều coi loại hình kinh doanh như Uber, Grab là kinh doanh taxi. Đặc biệt ngày 20/12/2017, Toà án Công lý Châu Âu (ECJ) tại Luxembourg đã đưa ra phán quyết coi Uber là công ty vận tải, vậy nên phải tuân thủ các quy định trong ngành vận tải.
Ông Hùng dẫn ý kiến của ông Trần Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ hành chính - Văn phòng Quốc hội cho rằng, bản chất của vấn đề là các công ty như Uber, Grab muốn kinh doanh xe taxi, nhưng không muốn đáp ứng các điều kiện mà pháp luật yêu cầu trong lĩnh vực kinh doanh taxi.
Bộ Công Thương coi loại hình này là vận tải như taxi, đề nghị phải quản lý như taxi. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đang coi Uber và Grab là các công ty cung cấp dịch vụ phần mềm. Vì vậy, trong suốt thời gian qua, Grab đã kê khai doanh thu là "phí sử dụng phần mềm kết nối", không phải chịu thuế VAT, gây thất thoát lớn cho ngân sách, ông Hùng nêu thực tế.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, chính vì việc chưa định danh được loại hình vận tải đã tạo ra những bất bình đẳng và gây ra rất nhiều những hệ lụy cho thị trường vận tải.
Uber sử dụng phương tiện không có phù hiệu hoặc phù hiệu giả để kinh doanh, lái xe không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định gây ra nhiều bất bình đẳng..., ông Hùng cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Công Hùng cho biết thêm: Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải không cho phép dịch vụ Grabshare nhưng Grab vẫn triển khai. Hay kế hoạch thí điểm chỉ cho phép được thí điểm tại 5 thành phố, nhưng hiện nay Grab đang hoạt động ở rất nhiều địa phương khác.
"Grabtaxi đã quá coi thường pháp luật của Việt Nam và coi thường chỉ đạo của Bộ, điều này gây nên sự bất bình đẳng đồng thời tạo nên tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác", ông Hùng bày tỏ.
Về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, ông Nguyễn Công Hùng kiến nghị quy định đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử phải đáp ứng các điều kiện về kinh doanh vận tải như người điều hành, trung tâm điều hành, đăng ký chất lượng dịch vụ, kê khai giá cước...
Các doanh nghiệp này phải sử dụng tên miền internet của Việt Nam, phải đặt máy chủ tại Việt Nam cho toàn bộ các kết nối có phát giao dịch tại lãnh thổ Việt Nam. Hệ thống các server (máy chủ) phải cung cấp các user (người dử dụng) riêng để Tổng cục Đường bộ và các sở giao thông vận tải có thể truy cập được...
Đặt quyền lợi của người dùng hàng đầu
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, taxi truyền thống trốn thuế nhiều nhất. Ông Liên cho rằng, nên hỏi người dân là Uber, Grab có nên tồn tại hay không.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM lưu ý: Việc xây dựng quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải vẫn cần phải xem xét theo một loại hình kinh doanh vận tải mới. Cần thay đổi cách nhận thức về loại hình kinh doanh mới.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Ông Hiếu lấy ví dụ một số nước phát triển đã xây dựng điều kiện kinh doanh vận tải có tầm nhìn hàng chục năm nữa, thậm chí tính toán đến việc xuất hiện phương tiện không người lái. Do đó, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam cũng cần phải có một quy định mang tính tầm nhìn xa hơn.
Theo đánh giá của ông Hiếu, ngành kinh tế vận tải có tiềm năng rất lớn. Các nước phát triển lấy quyền lợi của người tiêu dùng là cơ sở để thiết kế chính sách và pháp luật.