|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chủ tịch HĐTV Agribank: Không nên cấm ngân hàng làm đại lý cho bảo hiểm

20:54 | 15/01/2024
Chia sẻ
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank cho rằng việc ngân hàng làm đại lý cho bảo hiểm là vấn đề quốc tế đang làm, không nên vì những chuyện nọ chuyện kia mà cấm, cần có cơ chế giám sát và bảo đảm quyền lợi các bên liên quan.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 15/1, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề cập đến vấn đề ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ.

"Câu chuyện về một người phụ nữ vì khoản nợ phải trả, phải đến ngân hàng thương mại cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng, chỉ còn lại 280 triệu đồng, bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài kèm tiếng khóc nấc mà tôi tình cờ được gặp khi đến ngân hàng thương mại đã thôi thúc tôi phát biểu lần nữa về vấn đề này", đại biểu Phạm Văn Thịnh nói.    

Nhắc lại nội dung phát biểu của mình trước đây, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu rõ mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với hai loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu.  

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, đàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tại các ngân hàng thương mại có liên kết làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Nhân viên các ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.    

Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%.

Trường hợp hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp. Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 - 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 - 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.

Đại biểu nêu rõ, chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại được công khai khi ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng thương mại. Nêu số liệu của một số ngân hàng, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.   

Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian gian vừa qua.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.   

 Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với hai ý kiến của đại biểu phát biểu về nội dung ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm, đặc biệt là đại biểu Thịnh.   

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng rồi. Các ngân hàng vốn không có trụ sở bảo hiểm. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm.     

Liên quan đến nội dung giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, can thiệp sớm khi các tổ chức ngân hàng nước ngoài hoạt động rủi ro với khách hàng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đây là quy định rất nhân văn của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này.   

Trái với quan điểm trên, đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho rằng việc ngân hàng làm đại lý cho bảo hiểm là vấn đề quốc tế đang làm. Vì vậy, việc đưa vào áp dụng theo pháp luật về bảo hiểm là phù hợp.

"Không nên vì những chuyện nọ chuyện kia mà cấm, cần có cơ chế giám sát và bảo đảm quyền lợi các bên liên quan”, đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank nói.

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội). 

Theo báo Thanh tra, trao đổi thêm bên hành lang, ông Ấn cho hay bảo hiểm hiện có hai loại là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Ngân hàng có mạng lưới rộng, nhân lực nhiều thì việc kết hợp với bảo hiểm sẽ tận dụng nguồn lực, và hiện nhiều nước vẫn đang thực hiện.

Còn trường hợp ngân hàng lạm dụng, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm, ông Ấn nói, đó là “vi phạm”. Do đó, dự thảo luật lần này nêu vấn đề là thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm (sửa đổi), tức ép buộc khách hàng là vi phạm luật và giao Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể, đảm bảo tính chặt chẽ.

Về các điều khoản liên quan hợp đồng bảo hiểm, theo ông Ấn, phải đảm bảo quy định của Luật Bảo hiểm (sửa đổi). Hợp đồng bảo hiểm có đảm bảo quy định của pháp luật, bảo vệ được người tham gia bảo hiểm hay không là ở Luật Bảo hiểm, chứ không phải Luật Các tổ chức tín dụng.        

Anh Đào

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).