Xử lý nợ xấu bất động sản theo Nghị quyết 42 sẽ tiếp tục được thực hiện ra sao?
Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực. Tại Điều 18 của Nghị quyết 42 quy định chuyển tiếp đối với ba trường hợp.
Do đó, theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý, bổ sung quy định tại Khoản 6 Điều 210.
Cụ thể, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đã được thu giữ theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hoặc đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa xử lý xong thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 1/1/2024 cho đến khi xử lý xong.
Hiệu lực thi hành của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi là từ 1/1/2025, tuy nhiên quy định tại Khoản 6 Điều 210 sẽ có hiệu lực thi hành từ 15/3/2024 (do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua).
Cũng liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII), dự thảo Luật đã điều chỉnh bỏ các quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính.
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 200 của dự thảo Luật về chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bổ sung tương ứng tại khoản 15 Điều 210 (Quy định chuyển tiếp) để chuyển tiếp đối với các hợp đồng bảo đảm có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Điều 10 Nghị quyết 42 nêu rõ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Cụ thể, gồm: Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.
Khoản 3 Điều 39 và khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua mới đây đã “luật hóa” một phần nội dung Điều 10 Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định bên chuyển nhượng dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Theo đó, chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) đối với Nhà nước của dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Điều 18 Nghị quyết 42 quy định chuyển tiếp
Việc xử lý chuyển tiếp sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành được thực hiện như sau:
1. Thỏa thuận giữa tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu với tổ chức tín dụng quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết này đã có hiệu lực trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực được tiếp tục thực hiện cho đến khi thực hiện xong thỏa thuận đó;
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được tiếp tục thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này trong trường hợp đã thực hiện việc công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 7 của Nghị quyết này trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực;
3. Tòa án tiếp tục áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 8 của Nghị quyết này đối với vụ án đã được thụ lý trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.