Chủ tịch Hà Nội: Cấm xe máy chỉ là ý kiến cá nhân, thành phố chưa quyết
Đường phố Hà Nội tắc nghẽn những ngày giáp Tết Nguyên đán 2019 bởi xe cá nhân - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Chung khẳng định điều này với báo chí bên lề cuộc họp HĐND TP Hà Nội - kỳ họp bất thường diễn ra sáng 9-4.
Việc cấm xe máy phải được tính toán rất cẩn trọng
Chủ tịch TP Hà Nội cho biết d9ề án hạn chế xe cá nhân là một trong những biện pháp giảm ùn tắc giao thông đã được UBND TP Hà Nội trình HĐND TP vào tháng 7-2018. Lộ trình thực hiện là đến năm 2030.
Tuy nhiên, vừa qua cũng có ý kiến đề xuất hạn chế, tiến tới cấm xe máy ở Hà Nội được báo chí phản ảnh. Theo ông Chung, đây mới chỉ là ý kiến cá nhân của giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, còn thành phố Hà Nội chưa đưa ra quyết định này.
Ông Chung cũng chia sẻ quan điểm cá nhân ông với vai trò người đứng đầu UBND TP Hà Nội về đề xuất cấm xe máy tại thủ đô.
"Cá nhân tôi nghĩ với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như của người dân Việt Nam hiện nay, tỉ lệ sử dụng xe máy trong dân vẫn rất lớn. Hà Nội hiện có gần 6 triệu xe máy. Giải pháp cấm hoặc hạn chế xe máy vào một khu vực nào đó trong thành phố cần phải được nghiên cứu, tính toán rất cẩn trọng", ông Chung nói.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết toàn bộ phương án hạn chế xe máy sẽ phải được công bố rộng rãi, lấy ý kiến công khai của nhân dân để tạo sự đồng thuận.
Đồng thời, theo ông Chung, việc hạn chế xe máy cần dựa trên nền tảng là "thành phố phát triển đủ vận tải công cộng để người dân đi lại thuận lợi".
Ông Chung cũng kêu gọi người dân Hà Nội cần có thói quen đi bộ trong phạm vi quãng đường dưới 1,5km.
Đã xác định rõ vi phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn
Liên quan vụ vi phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn, Chủ tịch TP Hà Nội nói đã xác định rõ những vi phạm trong quá trình quản lý đất đai, đặc biệt là việc xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kết luận thanh tra đã được công bố công khai.
Ông Chung cho biết trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội cũng sẽ họp, bàn bạc kỹ lưỡng với Thanh tra Chính phủ về vấn đề này.
Nhiều công trình xây dựng vi phạm tại khu vực hồ Đồng Đò, Minh Trí, Sóc Sơn - Ảnh: TRẦN ANH
"Với những kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đây và những kết luận gần đây của Thanh tra thành phố, chúng tôi sẽ xác lập lộ trình để phân trách nhiệm cho từng sở ngành, cho huyện Sóc Sơn cũng như trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP để thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra", ông Chung nói.
Còn những trường hợp chuyển sang cơ quan điều tra sẽ do cơ quan này điều tra theo đúng luật.
Ông Chung cho biết về cơ bản thì kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Hà Nội là không khác nhau, "chỉ có điều những gì Thanh tra Chính phủ đã kết luận thì nay chúng tôi không kết luận lại nữa".
Tuy nhiên, ông Chung cũng lưu ý rằng "khi xem xét vấn đề liên quan đến quy hoạch về đất đai thì phải gắn với điều kiện lịch sử của từng giai đoạn, còn nếu chúng ta chỉ bằng cái nhìn của năm 2018 mà nhìn vào thời kỳ 2001, 2002 thì sẽ rất khó xem xét".
Về chuyện nhiều người dân Sóc Sơn chưa đồng thuận với kết luận thanh tra, ông Chung cho biết UBND TP Hà Nội đã cử đoàn khảo sát để có được kết luận thanh tra chính xác nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân cho rằng chính sách đưa người dân vào xây dựng vùng kinh tế mới ở Sóc Sơn trước đây không phản ánh đúng trong kết luận thanh tra.
"Hai nữa là phần chồng lấn giữa đất rừng phòng hộ và đất ở được đưa vào quy hoạch năm 2008 và 2011 thì người dân nói là họ vẫn chưa biết. Tới đây chúng tôi sẽ công bố với dân về những cột mốc đã được cắm trước đây thì dân sẽ rõ hơn", ông Chung nói thêm.