|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch GVR: Giá cổ phiếu có thể lên tới 50.000 đồng/cp

14:23 | 26/02/2021
Chia sẻ
Trong năm 2021, đại diện GVR cho biết sẽ quyết liệt thoái vốn tại các công ty không liên quan đến mảng cao su, ngoài ra sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên và giảm tỷ lệ tại Cao su Phước Hòa và Đồng Phú còn 51%.
GVR - Ảnh 1.

Các thành viên thuộc HĐQT của GVR. (Ảnh: Minh Hằng).

Ngày 26/2, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 và các tờ trình đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ 100%.

GVR đã công bố kế hoạch kinh doanh 2021 với mục tiêu doanh thu và thu nhập khác khoảng 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.600 tỷ đồng. Đây cũng là mức dự kiến doanh thu kỷ lục kể từ năm 2013.

Trong đó, sản lượng cao su khai thác mục tiêu đạt được 379.265 tấn; sản lượng cao su thu mua là 70.700 tấn.

ĐHĐCĐ bất thường: GVR muốn thoái vốn tại Nam Tân Uyên, Cao su Phước Hòa và Đồng Phú - Ảnh 2.

Nguồn: M.H tổng hợp từ BCTC của GVR.

Với riêng chỉ tiêu riêng công ty mẹ, GVR đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác 4.610 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế: 2.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế: 2.700 tỷ đồng.

Đề xuất chia cổ tức năm 2020 còn 4 - 5%, giá cổ phiếu có thể đạt 50.000 đồng/cp

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 đã được thống nhất và thông qua tháng 6/2020, tỷ lệ cổ tức năm 2020 dự kiến là 6%. Với kết quả kinh doanh hiện nay, GVR khẳng định có thể thực hiện được chỉ tiêu này, tuy nhiên sẽ không có nguồn vốn tích lũy cho các dự án đang đầu tư dở dang của đơn vị. 

Vì vậy, GVR kiến nghị giảm tỷ lệ cổ tức còn khoảng 4%, phần còn lại sẽ nộp vào quỹ đầu tư phát triển của tập đoàn. Tuy nhiên, một số cổ đông đã có ý kiến không đồng thuận với tỷ lệ cổ tức 4% này. 

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, GVR mong muốn giữ lại 1% - 2% để đầu tư cho các dự án công ty muốn phát triển, liên quan đến khu công nghiệp và dự án nông nghiệp sử dụng công nghệ cao.

Ông Thuận cho biết, hiện giá GVR đang ở quanh vùng 27.000 - 28.000 đồng/cp. Ông khuyến nghị các nhà đầu tư nên nắm giữ vì "biết đâu giá cổ phiếu có thể lên 50.000 đồng/cp".

Dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại Cao su Phước Hòa và Đồng Phú còn 51%

ĐHĐCĐ bất thường: GVR muốn thoái vốn tại Nam Tân Uyên, Cao su Phước Hòa và Đồng Phú - Ảnh 3.

Trụ sở của GVR tại 177 Hai Bà Trưng, quận 3, TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Để kế hoạch tăng trưởng chung của tập đoàn năm 2021 cao hơn năm 2020, ngoài việc cân đối các nguồn thu và lợi nhuận từ lĩnh vực cao su, sản phẩm công nghiệp cao su, thủy điện, lĩnh vực gỗ… GVR tiếp tục rà soát và cân đối nguồn thu trong kế hoạch năm 2021 từ các nguồn khác như thu về từ thoái vốn đầu tư.

Chia sẻ về tình hình thoái vốn, ông Phạm Văn Thành, Thành viên HĐQT cho biết, danh mục dự kiến thoái vốn rất nhiều, tuy nhiên vẫn chưa có kế hoạch chi tiết.

Trong năm 2021, đại diện GVR cho biết sẽ quyết liệt thoái vốn tại các công ty không liên quan đến mảng cao su, trong đó bao gồm 5 dự án thủy điện chưa thực hiện được trong năm 2020. 

Ngoài ra tập đoàn còn dự định thoái hết có cổ phiếu còn lại của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG và Chủ đầu tư của Khu Công nghiệp Bình Lợi. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ thoái vốn một phần tại CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC). Hiện GVR sở hữu gần 14% tại NTC.

Đặc biệt, tập đoàn cho biết dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại hai công ty đang niêm yết trên sàn HOSE là CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) và CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR) xuống 51% và vẫn đảm bảo được quyền chi phối. Tính đến cuối năm 2020, GVR sở hữu lần lượt  66,62% và 55,81%.

Theo định hướng của tập đoàn, thứ nhất, GVR sẽ sáp nhập các công ty có quy mô nhỏ vào công ty có quy mô lớn hoạt động hiệu quả. Thứ hai, tập đoàn đang vướng vấn đề sở hữu, công ty mẹ cùng với công ty sở hữu chồng chéo công ty khác. Do đó, GVR chủ trương sắp xếp lại để chỉ có một cổ đông của tập đoàn quản lý.

Thứ ba, hiện tập đoàn còn 22 công ty trách nhiệm hữu hạn và dự định sẽ cổ phần hóa các công ty này để tạo động lực phát triển.

Về việc dự kiến lấn sân sang mảng săm lốp thông qua việc mua lại các công ty thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), GVR kiến nghị CMSC được nhận chuyển nhượng từ Vinachem thay vì phải thông qua hình thức mua bán cổ phần thông qua đấu giá. Tuy nhiên, điều này vẫn sẽ do CMSC quyết định.

Các thương hiệu này nếu thuộc GVR sẽ giúp khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su và là nòng cốt để tiếp tục phát triển sản phẩm săm, lốp của tập đoàn trong tương lai khi GVR cho biết muốn đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm đầu ra của cao su.

Tập trung chuyển đổi đất tại Đông Nam Bộ

Trong năm 2021, GVR và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tập đoàn sẽ tập trung chuyển đổi sử dụng đất tại thị trường Đông Nam Bộ, bao gồm Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai,...

ĐHĐCĐ bất thường: GVR muốn thoái vốn tại Nam Tân Uyên, Cao su Phước Hòa và Đồng Phú - Ảnh 4.

Toàn cảnh đại hội bất thường diễn ra sáng ngày 26/2. (Ảnh: Minh Hằng).

Tuy nhiên, từ năm 2021 trở đi, một trong những khó khăn của GVR là các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản do đó tập đoàn và các đơn vị cần tính toán để có thể hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định.

Ngoài ra, đại diện CTCP Cao su Đồng Nai còn đưa ra kiến nghị CMSC và GVR cho phép công ty sử dụng nguồn lực còn lại để tái cơ cấu, được làm chủ các dự án đầu tư khi thực hiện chuyển đổi dự án đất như cấp sổ đỏ.

Ngoài ra, phía đại diện công ty con này còn mong muốn CMSC hưởng dẫn sử dụng quỹ khoa học công nghệ bởi số dư tại quỹ này rất lớn nhưng Cao su Đồng Nai chưa biết cách sử dụng hiệu quả để nghiên cứu phát triển.

Minh Hằng