Chủ tịch Geleximco nói về việc chọn nhà thầu Trung Quốc
Nhà máy nhiệt điện Thăng Long
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long do Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long thuộc Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư với công suất thiết kế 2 x 300 MW, gồm hai tổ máy số 1 và số 2. Đây là Dự án nhà máy nhiệt điện đầu tiên do tư nhân đầu tư với tổng vốn đầu tư là hơn 18.000 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long được xây dựng trong thời gian kỷ lục (3 năm) với các mốc vận hành thương mại đều sớm hơn từ 2 tuần đến 2 tháng.
Nhà máy được áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới với “trái tim” là lò hơi theo thiết kế và công nghệ chế tạo của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.
So với các nhà máy nhiệt điện cùng công suất 600 MW, như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 (vốn đầu tư khoảng 26.500 tỷ đồng, thời gian thi công hơn 4 năm), nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (vốn đầu tư trên 23.000 tỷ đồng)… nhà máy nhiệt điện Thăng Long do Tập đoàn tư nhân Geleximco đầu tư có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.
Nói về nguyên nhân, ông Vũ Văn Tiền cho rằng do cách chọn nhà thầu, cách quản trị, giám sát thực hiện, huy động nguồn vốn….
Nhà máy nhiệt điện Thăng Long có hệ thống giám sát khí phát thải online 24/24
Theo ông Tiền, lâu nay, hình ảnh của nhà thầu Trung Quốc ở các dự án Việt Nam thường gắn liền với các tai tiếng về chậm tiến độ, đội vốn, kém hiệu quả. Tuy nhiên, ông Tiền cho rằng, suy nghĩ này cần phải nhìn nhận lại.
“Nhà thầu Trung Quốc cũng có nhiều loại. Có loại rẻ, loại trung bình, nhưng có loại cũng rất chất lượng. Cho nên, tùy thuộc vào yêu cầu của mình để đưa ra cho đối tác. Mọi người hỏi tôi dự án này dùng nhà thầu Trung Quốc hay không? Tôi bảo ông nào không quan trọng, miễn tôi chọn được nhà thầu theo yêu cầu của tôi là công nghệ cao, môi trường đảm bảo, tiến độ phải vượt, hiệu suất hiệu quả tốt", ông Tiền nói.
Theo ông Tiền, nếu hai doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc và Việt Nam làm với nhau, kiểu gì cũng phát sinh chậm tiến độ, đội vốn, kém hiệu quả. Nhưng nếu để hai doanh nghiệp tư nhân của hai nước làm với nhau thì “khỏi phải suy nghĩ”. Các vấn đề giải quyết một cách hiệu quả.
Do đó, ông Tiền nhấn mạnh quan trọng là do yếu tố con người quyết định. Việc đàm phán, quản lý dự án phải thật tốt. Nếu đàm phán không tử tế và vô trách nhiệm thì dự án sẽ chết.
Để giảm chi phí khâu nguyên liệu, ông Tiền cho biết đã có sự chuẩn bị từ sớm. Thời điểm than chưa khó, Tập đoàn này đã ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), giúp cho Dự án sử dụng chủ yếu từ nguồn than trong nước nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển, chủ động được nguồn nhiên liệu quan trọng phục vụ nhà máy vận hành trong dài hạn.