Chủ tịch Daihatsu cúi đầu xin lỗi sau bê bối gian lận
Ngày 21/12, trong cuộc họp báo tại Tokyo, Chủ tịch Daihatsu Motor ông Soichiro Okudaira đã cúi đầu xin lỗi về việc công ty tạm dừng sản xuất tất cả các mẫu ô tô sau bê bối liên quan đến gian lận thử nghiệm va chạm, tờ Yomiuri Shimbun viết.
“Chúng tôi thật tâm xin lỗi vì đã phản bội lòng tin của khách hàng”, Chủ tịch Daihatsu nói.
Ông cho biết ban lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này. “Chúng tôi rất coi trọng sự việc này và coi đây là vấn đề làm lung lay nền tảng của công ty, với tư cách là một nhà sản xuất ô tô”.
Ông Hiroki Nakajima, Phó Chủ tịch điều hành Toyota Motor - công ty mẹ Daihatsu, cũng tham dự buổi họp báo. Ông Nakajima nói: “Chúng tôi tại Toyota Motor xin đưa ra lời xin lỗi chân thành”.
Theo AP News, trong một tuyên bố, Toyota cho biết: “Để ngăn chặn sự việc tái diễn, ngoài xem xét các hoạt động thử nghiệm xe, cần phải có một cuộc cải cách cơ bản để hồi sinh Daihatsu”.
Trong đó, Toyota sẽ xem xét lại hoạt động quản lý, kinh doanh, tổ chức và cơ cấu của Daihatsu. Đồng thời xem xét tư duy của nhân viên và hỗ trợ đầy đủ nguồn lực để Daihatsu trở lại sản xuất.
Ngày 21/12, Cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đã ập vào kiểm tra trụ sở công ty con Toyota tại Osaka.
Động thái diễn ra một ngày sau khi giới chức thông báo đình chỉ việc bán xe Daihatsu bên trong và ngoài thị trường Nhật Bản. Cơ quan chức năng phát hiện việc gian lận thử nghiệm liên quan đến 64 mẫu xe do hãng này sản xuất.
Những vi phạm trong thử nghiệm an toàn hồi đầu năm đã thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập, phát hiện các vấn đề phổ biến và mang tính hệ thống tại Daihatsu Motor.
Đây là vụ vi phạm mới nhất về an toàn hoặc các vi phạm khác được phát hiện tại ít nhất 5 nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản trong những năm gần đây.
Trong tuần, Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản bắt đầu mở cuộc điều tra sâu hơn tại các văn phòng của Daihatsu về vụ bê bối an toàn có hệ thống dường như đã kéo dài hàng thập kỷ.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi nói: “Thật vô cùng đáng tiếc. Nó làm tổn hại đến niềm tin của người mua xe và làm lung lay nền tảng của hệ thống đăng kiểm ô tô”.
Ông Hayashi yêu cầu lãnh đạo Daihatsu giải thích đầy đủ sự việc.
Cho đến nay, chưa có báo cáo nào về tai nạn hoặc tử vong do gian lận trong các cuộc kiểm tra này.
Trích dẫn kết quả điều tra nội bộ, Toyota cho biết đã phát hiện 174 trường hợp bất thường mới trong các cuộc kiểm tra an toàn và các quy trình khác trong 25 hạng mục kiểm tra, bên cạnh các vấn đề được báo cáo trước đó.
Chủ tịch Daihatsu Soichiro thừa nhận việc gian lận trong quá trình kiểm tra và quy trình an toàn tương đương với việc bỏ qua các chứng chỉ an toàn.
Một luật sư và thành viên của nhóm điều tra, ông Makoto Kaiami, người cũng tham dự cuộc họp báo, cho biết các công nhân chịu áp lực khi phải đáp ứng yêu cầu của ban lãnh đạo về thời hạn phát triển nên buộc phải gian lận.
Theo vị luật sư, ban lãnh đạo Daihatsu phải chịu trách nhiệm.
Vấn đề lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 4 khi Daihatsu báo cáo việc kiểm tra lớp lót cửa không đúng tiêu chuẩn. Cơ quan chức năng cho biết các vấn đề trong thử nghiệm va chạm bên hông cũng xuất hiện vào tháng 5. Người ta cũng phát hiện ra giả mạo dữ liệu và việc sử dụng các thủ tục kiểm tra trái phép.
Daihatsu thông báo những lỗi này được phát hiện ở 64 mẫu xe và 3 động cơ xe, trong đó có 22 mẫu xe và một động cơ do Toyota bán ra.
Sự việc ảnh hưởng đến một số mẫu xe của Mazda Motor và Subaru bán ở Nhật Bản, cũng như các mẫu xe Toyota và Daihatsu bán ở thị trường nước ngoài.
Daihatsu là công ty con của Toyota chuyên sản xuất ô tô cỡ nhỏ và xe tải được ưa chuộng tại Nhật Bản.