|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cách các doanh nghiệp phần mềm như FPT, VNG tham gia vào ngành ô tô

20:16 | 19/12/2023
Chia sẻ
Các doanh nghiệp Việt dù là phần mềm hay phần cứng hỗ trợ cũng đang ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất ngành công nghiệp ô tô.

Không chọn làm ô tô từ đầu như VinFast, hay gia công lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài như TC Motor, Thaco… các công ty phần mềm như FPT hay VNG lại chọn con đường khác để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp tỷ đô này.

Tuần trước, tập đoàn FPT đã mở công ty phần mềm ô tô FPT Automotive tại Texas, Mỹ. Động thái nằm trong kế hoạch đầu tư 100 triệu USD trong vòng 5 năm tới vào lĩnh vực ô tô của tập đoàn.

FPT Automotive sẽ cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các nhà sản xuất ô tô lớn như Honda, Ford và VinFast. 

Về cơ bản, hầu hết các mẫu ô tô hiện đại được ví như những chiếc máy tính cơ bản. Do đó, một công ty phần mềm như FPT muốn có chỗ đứng trong ngành bằng cách cung cấp các giải pháp kết nối không dây, bảo mật, phần mềm giám sát động cơ, nhiên liệu và các bộ phận khác.

Theo ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng quản trị kiêm đồng sáng lập tập đoàn FPT: "Nếu bạn trực tiếp lái xe, dù lái ở Việt Nam, Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Italy, Australia, Canada hay Hàn Quốc, thì có đến 75% là bạn đang sử dụng phần mềm của FPT rồi đấy. Dù bạn lái xe Mercedes, BMW, Renault, Volvo, Toyota, Honda, Nisan, Suzuki, Ford, Huyndai hay một thương hiệu xe ô tô lạ hoắc chăng nữa".

Phần mềm ô tô của FPT hiện diện trong những tính năng cảnh báo lùi, cảnh báo khoảng cách, tốc độ xe, lượng xăng trong bình hay các cảnh báo về phanh, lốp, đèn... Các tiện ích giải trí, nghe nhạc cũng do phần mềm FPT điều khiển.

Lãnh đạo FPT cho biết trong thời gian tới, trên các dòng xe cao cấp sẽ có cả hệ thống âm thanh của FPT. Đây là những hệ thống audio cao cấp và chỉ xuất hiện trên những dòng xe hạng sang.

"Chúng tôi không chỉ mở rộng ở Texas. Khách hàng của FPT không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới”, đại diện FPT nói với tờ Nikkei Asia.

FPT đang nhắm tới các nhà sản xuất chip và nhà cung cấp phụ tùng ô tô, mục tiêu xây dựng FPT Automotive thành một công ty trị giá 1 tỷ USD vào năm 2030. 

Hiện FPT Automotive đang có 4.000 kỹ sư phần mềm. Năm 2023, những kỹ sư này mang về cho tập đoàn 170 triệu USD từ thị trường nước ngoài, tức trung bình 42.500 USD/người.

 Các kỹ sư phần mềm ô tô tại FPT. (Ảnh: FPT).

Ngoài FPT, công ty phần mềm khác là VNG của ông Lê Hồng Minh cũng tìm cách thâm nhập vào ngành ô tô bằng thế mạnh của mình.

Tháng 4/2021, phóng viên tờ Nikkei Asia của Nhật Bản đã được ông Vương Quang Khải - Phó Tổng giám đốc điều hành VNG, giới thiệu công nghệ của công ty hiện diện trên một chiếc SUV. Đó là mô hình trợ lý ảo nói tiếng Việt Kiki do các kỹ sư VNG nghiên cứu, chế tạo.

Thời điểm đó, ông Khải là người đứng đầu bộ phận Zalo AI - đơn vị nghiên cứu và phát triển trợ lý Kiki.

"Mở nhạc Taylor Swift", ông Khải nói bằng tiếng Việt và bảng điều khiển bật sáng, giai điệu bài hát vang lên. Phóng viên Nikkei cùng ông Khải đã thưởng thức âm nhạc trong khi chiếc SUV lướt qua khu đô thị cao cấp trên đường đến trụ sở VNG.

Từ cuối năm 2020, VNG giới thiệu Kiki trên loa thông minh. Sản phẩm được xây dựng dựa trên công nghệ tương tự như Alexa của Amazon và Siri của Apple nhưng hỗ trợ tiếng Việt.

Thời điểm năm 2021, VNG cho biết đang đàm phán với một công ty hàng đầu về bảng điều khiển ô tô để tích hợp Kiki cho thị trường xe hơi phổ thông vào quý III. Thông tin đối tác không được tiết lộ.

Trợ lý ảo là một phần quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy trí tuệ nhân tạo tại VNG, một “nước đi” mà ông Vương Quang Khải nhấn mạnh là cần thiết cho tương lai công ty. 

Không chỉ các doanh nghiệp phần mềm, ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam trong thời gian qua cũng chứng kiến sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty phần cứng, hỗ trợ.

Trong một hồ sơ gửi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), VinFast tiết lộ công ty tăng cường sản xuất tại Việt Nam bằng một khu phức hợp tại chỗ đã giúp tiết kiệm chi phí và hiệu quả hậu cần cho các bộ phận và nguồn cung. 

“Hoạt động sản xuất của chúng tôi tại Việt Nam có lợi thế đáng kể về chi phí để tìm nguồn cung ứng và linh kiện bởi khoảng 60% linh kiện cho xe điện (không bao gồm pin) được cung ứng từ các nhà cung cấp tại Việt Nam”, phía công ty cho hay.

Hãng xe cũng đang có kế hoạch mở rộng khu phức hợp tại Hải Phòng với các nhà cung cấp từ Hàn Quốc và Trung Quốc. 

Có thể thấy, dù bằng cách này hay cách khác, các doanh nghiệp Việt đang ngày càng tìm cách thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng ngành sản xuất ô tô.

Về phía FPT, công ty cho biết một số khách hàng trong lĩnh vực ô tô của họ hiện tại gồm Hyundai, Volvo, LG, Panasonic, Yazaki và NXP - một nhà thiết kế bán dẫn của Hà Lan.

"Chúng tôi mong muốn đẩy nhanh sự phát triển của mảng ô tô, một lĩnh vực hiện nay do phần mềm quyết định", ông Trương Gia Bình, Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch FPT nói với Nikkei.

FPT cho biết đã có hơn 10 năm kinh nghiệm phát triển các phần mềm ô tô và tương lai sẽ tập trung cho dịch vụ trí tuệ nhân tạo, âm thanh và tính năng an toàn.

Đức Huy