Chủ tịch Dabaco: Doanh nghiệp cứ bán một con heo lại lỗ một con, sao không ai lên tiếng?
Theo khảo sát ngày 19/10, giá heo hơi 3 miền giảm sâu xuống mức 33.000 – 40.000 đồng/kg, giảm gần 60% so với đầu năm. Giá heo quá lứa ở nhiều địa phương thậm chí giảm xuống mức dưới 30.000 đồng/kg khiến doanh nghiệp, người chăn nuôi thiệt hại nặng nề.
Trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco cho biết: "Với giá bán hiện nay, chúng tôi đang phải chịu cảnh cứ bán ra một con heo là lại lỗ mất một con. Bán trực tiếp cho người tiêu dùng đã khó, bán cho các lò mổ còn khó hơn".
Dù Dabaco có hệ thống phân phối heo hơi cho lò mổ và heo thành phẩm cho các nhà phân phối bán lẻ cũng bó tay vì nguồn cung dư thừa quá lớn, sức tiêu thụ quá nhỏ.
Trước thông tin giá heo hơi giảm, giá thịt heo vẫn ở mức cao ngất ngưởng, Chủ tịch Dabaco khẳng định doanh nghiệp này vẫn đang bán "đồng giá" nhưng cũng không thể tiêu thụ hết.
"Bây giờ muốn bán còn chả được, làm sao chúng tôi dám nâng giá. Thị trường hiện nay đang dư thừa thịt heo.
Lúc giá thịt heo cao nhưng các doanh nghiệp không được bán giá cao mà phải hạ giá. Thế nhưng bây giờ giá heo xuống thấp, doanh nghiệp đang thiệt hại, song không thấy ai nói gì?", ông So nói.
Đại diện Dabaco cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là Bộ NN&PTNT khuyến khích người dân và doanh nghiệp tái đàn nhiều quá dẫn đến dư thừa.
Trong khi, lượng thịt heo đông lạnh, nhập khẩu từ nước ngoài ồ ạt về Việt Nam khiến thị trường càng nhiễu loạn.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 8 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt heo đạt hơn 257 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 508 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 84% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cục dự báo lượng nhập khẩu thịt heo đông lạnh sẽ tiếp tục tăng nhanh do các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Brazil... đang dư thừa về sản lượng, giá rẻ hơn so với giá thành sản xuất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng - sản xuất – chế biến – tiêu thụ; các hoạt động giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế và đình trệ.
Trong cuộc họp với Bộ NN&PTNT, vị này kiến nghị các Bộ NN&PTNT cần phối hợp, giải quyết vấn đề lưu thông, những quy định không đồng nhất giữa các tỉnh để tạo điều kiện cho việc cung ứng thực phẩm, giải tỏa nguồn heo ứ đọng trong các trang trại.
Đồng thời, Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi để giảm rủi ro cho doanh nghiệp và nông dân.
"Có rất nhiều chính sách miễn, giảm thuế nhưng việc tiếp cận của nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp lại rất khó.
Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi cũng có điều khoản Nhà nước xây dựng kho lạnh dự trữ quốc gia để cân bằng cung – cầu nhưng đến nay không biết Bộ NN&PTNT hay Bộ Công Thương phụ trách việc này?", ông So nhấn mạnh.