|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch Clever Group: Từ bỏ giảng đường Bách Khoa để theo đuổi hoài bão lớn

10:44 | 20/11/2021
Chia sẻ
Là cựu sinh viên và sau đó trở thành giảng viên trường đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Nguyễn Khánh Trình tưởng như đã rất thành công trong sự nghiệp theo đuổi sự học nhưng người thầy giáo năm ấy lại chọn bước ra thương trường để theo thỏa sức vẫy vùng với những hoài bão lớn.

Nhân ngày 20/11, Chủ tịch Clever Group, ông Nguyễn Khánh Trình lại bồi hồi chia sẻ lại thời gian từng đi dạy học để lấy tiền nuôi quân làm khởi nghiệp. Trên trang Facebook cá nhân, ông Trình viết: "Thời còn đi dạy từ 2001 tới 2009 vất vả quá nên chả có được tấm ảnh liên quan nào trên bục giảng. Nếu không đi dạy thì không có vốn liếng khởi lập CleverAds ngày xưa."

Năm 2009, những ngày cuối cùng của sự nghiệp cầm phấn, ông Trình chia sẻ rằng mỗi tháng thu nhập từ việc giảng dạy rơi vào khoảng 20 triệu đồng/tháng, một con số khá cao vào thời điểm bấy giờ, chưa kể Đại học Bách Khoa còn trả thêm cho ông hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, với số tiền lương ngày đó, ông Trình chỉ nhận cho mình 2,7 triệu đồng vì còn bận đem tiền về nuôi quân tại CleverAds - startup đầu tiên của Chủ tịch Clever Group.

"Cân team! Khởi nghiệp phải như vậy chứ, đâu cần gọi vốn, vốn tự có nhiều mà", ông Trình chia sẻ.

Chủ tịch Clever Group: Từ bỏ giảng đường Bách Khoa để theo đuổi hoài bão lớn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khánh Trình bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian còn là Giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. (Ảnh: FBNV).

Từng là học sinh xuất sắc của trường chuyên Amsterdam Hà Nội để rồi được tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa với số điểm 58,5/60, ông Trình chọn theo học ngành CNTT và sau đó tiếp tục học lên Cao học để hoàn thành ước mơ làm Giảng viên của Bách Khoa.

Ngoài công việc chính là giảng dạy, ông Trình còn khởi nghiệp từ rất sớm với những ngành nghề khác nhau. Từ mở cửa hàng bán sơ mi trực tuyến đến chơi chứng khoán, dù gặp cả thành công lẫn thất bại nhưng ở quãng thời gian được cho là "đen tối nhất cuộc đời đấy", ông Trình vẫn không nản chí.

“Cần phải set up cái gì đó mới. Đàn ông là phải vậy. Cái gì đã qua thì phải cho qua. Có những thứ đã mất có thể lấy lại được. Tiền là thứ dễ nhất”, ông Trình bộc bạch.

Năm 2008, sau khi có dịp tiếp cận khóa học của Google tại Singapore, ông Trình đã đặt ra câu hỏi làm cách nào để cho người dùng Việt Nam có thể tiếp cận được với Marketing Online. 

 “Khả năng sử dụng Online Marketing đối với Google của người Sing thật đáng ngạc nhiên. Tôi chợt nhận ra, ở Việt Nam, khách đến với website somi.vn của chúng tôi chủ yếu qua Google. 

Chúng ta sử dụng Google như công cụ tìm kiếm cực kỳ phổ biến nhưng chưa bao giờ nó được dùng như một kênh marketing cho sản phẩm. Còn gì bằng nếu bạn được xuất hiện trên trang đầu của Google?”, ông Trình thốt lên khi tiếp cận với các khóa học của Google.

Ngay sau đó, ông tiếp tục học thêm các chứng chỉ và rủ thêm bạn bè cùng thành lập CleverAds vào năm 2009 với chỉ vọn vẹn 5 nhân sự ở thời điểm ban đầu. Đây cũng chính là thời điểm ông Trình quyết định rời bỏ giảng đường Bách Khoa để làm khởi nghiệp. Ngay lập tức CleverAds đã có ngay hợp đồng lớn đầu tiên trị giá 2000 USD/tháng với một công ty chứng khoán.

4 năm sau đó, CleverAds có hàng trăm khách hàng, mở rộng thị trường đến TP HCM và sau đó vươn tới Indonesia. Đến năm 2011, CleverAds nhận được chứng chỉ đối tác cấp cao chính thức của Google.

"Đôi khi ta không thể vẽ ra được cuộc đời, có những cái tác động vào giữa chừng buộc ta phải bẻ lái để rẽ sang hướng khác. Nếu trước đây tiếp tục đi theo con đường học thuật, có lẽ tôi vẫn là một giảng viên, một tiến sĩ, cũng có thể là giáo sư nhưng rồi tôi nhận ra, nếu cứ như thế mãi thì sẽ rất nhàm chán”, ông Trình chia sẻ với đài VTC.

Dù rời đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Trình vẫn đi dạy tại đại học FPT vì "đó là nghề”. Tại giảng đường, ông Trình có cơ hội truyền lửa cho các bạn trẻ. "Tôi dạy họ phải có ước mơ, luôn phải có mục đích để phấn đấu. 

Tháng 4/2006, tôi quyết định thôi việc tại Ngân hàng phát triển Việt Nam, trong lá đơn thôi việc tôi viết “tôi muốn ra đi để thực hiện hoài bão và những ước mơ”(làm Giảng viên). Tôi đã viết lá đơn ấy bằng tất cả sự nghiêm túc, khát khao và háo hức. Tôi mong rằng tất cả các bạn trẻ đều có một lần viết nên những dòng ấy ngay từ trong ý nghĩ!”.

Thùy Trang