|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đồng sáng lập Tesla kể chuyện thất nghiệp sau khi bị đuổi khỏi công ty, cảm thấy tiếc nuối khi nhận đầu tư từ Elon Musk

07:53 | 20/11/2021
Chia sẻ
Tesla có 5 người sáng lập nhưng chỉ có 2 trong số đó thực sự trở nên giàu có, bao gồm ông Elon Musk và JB Straubel.

Một buổi chiều tháng 7/2006, Tesla mời phóng viên tới buổi ra mắt chiếc xe chạy bằng pin có giá hơn 100.000 USD mà không nhiều chuyên gia ngành nghe cho rằng có cơ hội thành công.

Thời điểm đó, ông Martin Eberhard, CEO Tesla, khẳng định rằng công ty Silicon Valley này sẽ dạy các "ông lớn" ngành xe bài học về cách tạo ra những chiếc xe vừa hấp dẫn vừa không phát thải. 

Bên cạnh concept xe này, ông khẳng định Tesla cũng sẽ sớm giới thiệu mẫu xe sedan dành cho gia đình với giá thấp hơn. Tầm nhìn mà ông Martin Eberhard vạch ra đến nay đã được hiện thực hoá song ông không còn là người dẫn dắt công ty.

Vì sao người thực sự sáng lập ra Tesla lại không giàu lên nhờ công ty của mình? - Ảnh 1.

Martin Eberhard, người đồng sáng lập và CEO đầu tiên của Tesla, bên trái, và Elon Musk trong buổi giới thiệu xe đầu tiên của Tesla với báo giới vào năm 2006. (Ảnh: Getty).

Mới đây, Tesla trở thành hãng xe đầu tiên đạt vốn hoá 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, vị CEO giới thiệu công ty với báo giới 15 năm trước không còn liên quan nhiều đến hãng xe này. Ông cũng không lọt top những người giàu nhất thế giới. Thay vào đó là Elon Musk, một trong những nhà đầu tư rất sớm vào Tesla và hiện đang là CEO công ty.

Elon Musk cũng có mặt tại buổi lễ giới thiệu Tesla vào năm 2006 nhưng ông có một vị trí mờ nhạt hơn. Thời điểm đó, Elon Musk chủ yếu nói về sự cần thiết của việc chuyển đổi sang xe điện càng sớm càng tốt.

Ông Martin Eberhard và Marc Tarpening là những người đặt nền móng đầu tiên cho Tesla. Dù vật, cả hai người đều không có đủ cổ phần Tesla để trở thành một tỷ phú. Thực tế, vốn đầu tư của Elon Musk chính là thứ đã giúp Martin Eberhard và Marc Tarpening có thể bắt tay vào hiện thực hoá tầm nhìn của mình. 

Đây cũng là thứ giúp Elon Musk dần nắm được toàn quyền kiểm soát Tesla bằng cách liên tục tăng cổ phần nắm giữ thông qua 9 đợt gọi vốn của Tesla trước khi IPO vào năm 2010. Dĩ nhiên, cổ phần Martin Eberhard và Marc Tarpening nắm giữ liên tục bị pha loãng.

Vì sao người thực sự sáng lập ra Tesla lại không giàu lên nhờ công ty của mình? - Ảnh 2.

Ông Marc Tarpenning đồng sáng lập Tesla vào năm 2003 cùng Martin Eberhard. Ông rời công ty năm 2009. (Ảnh: AP).

Trong một bài phỏng vấn với Forbes, ông Martin Eberhard cho biết ông có "một phần khá nhỏ" cổ phần Tesla. "Tôi đã bán phần lớn cổ phần của mình khá lâu trước đó", ông Martin Eberhard, nay đã 61 tuổi, chia sẻ. "Nhiều người nghĩ rằng tôi phải là một tỷ phú khi tạo ra Tesla nhưng thực ta thì không", ông nói thêm.

Ông Eberhard nhấn mạnh nếu như ông và Marc Tarpening của mình có nhiều tiền hơn từ thương vụ bán Rocket eBook (một công ty máy đọc sách điện tử mà 2 người sáng lập) vào cuối những năm 1990, 2 người có lẽ đã không cần đến nguồn vốn ban đầu từ Elon Musk.

Thực tế, ông Eberhard bán phần lớn cổ phần của mình sau khi bị yêu cầu rời khởi Tesla vào năm 2007, trước khi chiếc xe đầu tiên (Roadster) ra mắt. Ông kiện Elon Musk vào năm 2009 vì bị buộc rời khỏi công ty và bị vu khống.

"Khi tôi bị đuổi khỏi Tesla, tôi không có xu nào, tôi thực sự không có tiền", ông Eberhard nói. "Tệ hơn nữa, tôi không thể tìm việc trong một năm" vì một thoả thuận sở hữu trí tuệ hạn chế với Tesla. "Tôi cũng không tham gia thêm vào vòng gọi vốn nào sau khi tôi rời đi".

Ông từ chối chia sẻ chi tiết cổ phần Tesla  mà ông nắm giữ. Dù vậy, ông Eberhard xác nhận ông không phải là một tỷ phú. Ông Tarpening, thời điểm đó là đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Spero Ventures, cho biết ông cũng có cổ phần Tesla song không nằm trong số cổ đông lớn nhất. Ông Tarpening từ chối chia sẻ thêm khi nhận được đề nghị từ Forbes.

Vì sao người thực sự sáng lập ra Tesla lại không giàu lên nhờ công ty của mình? - Ảnh 3.

Ông JB Straubel, cựu giám đốc công nghệ Tesla, rời công ty vào năm 2019. (Ảnh: AP).

Trong số 5 người đồng sáng lập chính thức của Tesla, chỉ có ông JB Straubel, cựu giám đốc công nghệ Tesla và rời Tesla năm 2019, có thể trở thành tỷ phú từ cổ phần Tesla mình nắm giữ. Hiện tại, nếu như vẫn giữ cổ phần Tesla ở thời điểm rời công ty, ông có thể có tài sản ròng 1,3 tỷ USD. Ông JB Straubel hiện đang là CEO và người đồng sáng lập startup tái chế pin Redwood Materials.

Ông Ian Wright, người đầu quân cho Martin Eberhard và Marc Tarpening vài tháng sau khi Tesla được thành lập, cũng rời công ty vào năm 2014 để mở một công ty xe điện khác. Ông bán cổ phần nhiều năm trước.

"Tôi không có cổ phần Tesla lúc này", ông nói với Forbes. "Dĩ nhiên, tôi không thể tượng tượng ra mức định giá 1 nghìn tỷ USD!"

Ngoài Elon Musk, Tesla cũng "làm giàu" cho nhiều nhà đầu tư vào thành viên hội đồng công ty bao gồm nhà đầu tư mạo hiểm Ira Ehrenpreis, ông Larry Ellison (Oracle) và Kimbal, em trai Elon Musk.

Vì một thoả thuận trong vụ kiện năm 2009, ông Eberhard từ chối chia sẻ chi tiết quan điểm của ông về Elon Musk. Ngược lại, Musk lại không tỏ ra ngại ngần khi nói về ông. Theo đó, Elon Musk mô tả Martin Eberhard là "người tệ nhất tôi từng làm việc cùng" trong một bài phỏng vấn vào tháng 1/2020.

Về phần mình, ông Martin Eberhard cho biết ông "hạnh phúc vì thành công của công ty". "Điều quan trọng là chúng ta đã dần từ bỏ nhiên liệu hoá thạch và Tesla là một nhân tố thúc đẩy chính. Đây là điều tôi đã hy vọng ngay từ đầu", ông Martin Eberhard nhấn mạnh.

Nam Khánh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.