|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Chứng khoán APG muốn mua 1 triệu cổ phiếu

16:19 | 08/05/2024
Chia sẻ
Ông Nguyễn Hồ Hưng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu APG để đầu tư cá nhân. Ước tính tổng giá trị giao dịch hơn 15 tỷ đồng.

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), ông Nguyễn Hồ Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán APG (mã: APG) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu APG để đầu tư cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/5 đến ngày 1/6, theo phương thức khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận.

Nếu giao dịch thành công, sở hữu của vị chủ tịch này sẽ tăng từ 10,78 triệu đơn vị (tỷ lệ 4,82%, trên tổng số lượng cổ phiếu sau khi kết thúc chào bán cổ phiếu riêng lẻ là 223,62 triệu cổ phiếu) lên 11,78 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,27%). Với tỷ lệ sở hữu mới này, ông Hưng sẽ trở thành cổ đông lớn của công ty.

Tạm tính theo giá giao dịch hiện tại là 15.050 đồng/cp (tính đến 14h00 phiên 8/5), ước tính Chủ tịch Chứng khoán APG có thể phải bỏ ra khoảng hơn 15 tỷ đồng để mua thêm số cổ phiếu trên.

Về kết quả kinh doanh quý I, Chứng khoán APG ghi nhận doanh thu hoạt động 30,2 tỷ đồng, giảm so với mức 50,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 6,3 tỷ đồng, giảm 85,3%. Giải trình về kết quả này, công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu do lỗ bán các tài sản tài chính và chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ trong quý giảm.

Theo đó, trong quý đầu năm, Chứng khoán APG lãi bán các tài sản tài chính 5,6 tỷ đồng, trong khi đó lỗ bán các tài sản tài chính 10,1 tỷ đồng. Như vậy, công ty lỗ ròng mảng này hơn 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 102,7 triệu đồng.

Tại ngày 31/3, danh mục FVTPL của công ty (toàn bộ là cổ phiếu) có giá trị gốc 407,7 tỷ đồng, tuy nhiên có giá trị thị trường 408 tỷ đồng, tương đương danh mục đang tạm lãi khoảng 340 triệu đồng, nhỏ hơn so mức lãi 34,9 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.

Danh mục FVTPL của Chứng khoán APG thời điểm đầu và cuối quý I. (Nguồn: BCTC).

Diệu Nhi

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.