|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch Alphanam dị ứng với chữ 'đa ngành': Bỏ trứng vào quá nhiều giỏ, cuối cùng không biết tìm trứng ở giỏ nào

10:31 | 01/03/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam chia sẻ từng theo đuổi triết lý "đa ngành" bởi nếu chỉ làm một thứ thì sẽ rất rủi ro. Song, sau giai đoạn khủng hoảng năm 1997, ông đã bị dị ứng với triết lý này, và quyết định theo đuổi chiến lược tập trung vào một số lĩnh vực nhất định.

Mới đây, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) đã tổ chức Tọa đàm “Kinh tế 2023 – Nhận diện và hành động của Doanh nhân trẻ”. Trong khuôn khổ sự kiện, ông Nguyễn Tuấn Hải, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao đỏ và Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đã có những chia sẻ về tình hình kinh tế cũng như đánh giá về triển vọng của năm 2023.

Đánh giá tổng quan về triển vọng năm 2023, ông Hải nhận định rằng tình hình kinh tế trong năm nay sẽ diễn biến lạc quan. Bản thân ông Hải cũng chia sẻ rằng đã đi qua ba thời kỳ “đại khủng hoảng” khác nhau, và mỗi giai đoạn lại có những khó khăn nhất định.

Ông Nguyễn Tuấn Hải (trái), Chủ tịch Tập đoàn Alphanam. (Ảnh: HANOIBA).

“Vào giai đoạn khủng hoảng đầu tiên năm 1997, chúng tôi còn rất “nhỏ”, và tinh thần của doanh nhân trẻ trỗi dậy, giống như lúc bị dồn vào chân tương và phải tìm cách vùng lên. Sau giai đoạn này, tôi nhận ra rằng nếu mình chỉ làm một thứ thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Do đó, tôi nghĩ rằng phải “chia trứng ra nhiều giỏ” và làm việc trên tinh thần mỗi năm xây dựng một nhà máy, mở một lĩnh vực để làm đa ngành. Khẩu hiệu “đa ngành” trở thành kim chỉ nam cho Alphanam”, ông Hải cho biết.

Thách thức tiếp theo đến với doanh nghiệp của ông Hải đến vào năm 2014, thời điểm có lúc lãi suất ghi nhận lên tới 24%. “Giai đoạn này là một thử thách cho triết lý đa ngành, và từ đó tôi rất dị ứng với chữ “đa ngành” vì mình phải trả giá cho nó, trứng bỏ vào nhiều giỏ quá rồi cuối cùng không biết trứng nằm ở đâu”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, từ năm 2013 cho tới thời điểm hiện tại, Alphanam đã chuyển hướng, không đi theo triết lý đa ngành mà xây dựng các “trụ cột”. “Vì triết lý doanh nghiệp từ năm 2013 chuyển hướng đi theo các trụ cột nên chúng tôi đã vượt qua giai đoạn COVID-19”, ông Hải cho biết.

Lãnh đạo Alphanam cũng nói thêm trong giai đoạn COVID-19, ngành du lịch – khách sạn hay bất động sản chịu tổn thất nặng nề, mỗi ngày có thể mất tới tiền tỷ đồng để trả gốc và lãi cho ngân hàng. Thời điểm đó, nếu không có các ngành trụ cột đỡ   thì doanh nghiệp sẽ hứng chịu nhiều rủi ro.

“Chính vì điều này nên chúng tôi đã quay lại với lĩnh vực sản xuất, một trong những trụ cột quan trọng. Sau ba năm COVID-19, tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất lên tới 450%.

Trong khó khăn, làm việc tập trung là điều vô cùng quan trọng. Vào giai đoạn đó, “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Doanh nghiệp phải làm thế nào để sản phẩm của mình trở thành sản phẩm tốt nhất đối với khách hàng. Khi đó, tự nhiên mọi dòng tiền sẽ đổ về phía doanh nghiệp”, ông Hải nhận định.

Thực tế, lãnh đạo Alphanam cho rằng cả hình thức làm kinh doanh đa ngành hay đi các trụ cột đều không sai, nhưng quan trọng là phải lựa chọn đúng thời điểm. “Trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp buộc phải tập trung cao độ vào một số lĩnh vực nhất định. Ngược lại, khi có cơ hội, doanh nghiệp cần tìm cách để lan tỏa rộng hơn”.

Tập trung vào những sản phẩm có thể lưu trữ lâu dài

Chia sẻ về thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện tại, ông Hải cho biết mỗi doanh nghiệp phải lựa chọn từng cách để tồn tại và phát triển một cách phù hợp với nội lực, mục tiêu và định hướng.

“Tôi làm bất động sản, nhưng có thể có những cách làm khác với mọi người. Năm nay, bản thân tôi chỉ nghĩ tới việc tiêu tiền nên không tính đến chuyện làm thế nào để bán được hàng bởi mình có cố cũng không bán được. Vì vậy, hiện tại tôi giống như một người đang biến “thịt” thành “lạp sườn”, hay nói chính xác hơn là việc tạo ra những sản phẩm có thể trữ được lâu dài”, ông Hải cho biết.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết bản thân đang cố gắng làm mọi cách để có thể quản trị tốt nhất các rủi ro, chờ đợi 5 năm nữa trước khi bán các sản phẩm dự trữ nêu trên.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã giải ngân nhiều nghìn tỷ đồng. Trong vòng vài tháng tới, chúng tôi có thể tiếp tục giải ngân vài nghìn tỷ đồng nữa cho chính lĩnh vực bất động sản. Đây là một cơ hội, và cơ hội để nhìn xem mình có thể sống sót được bao lâu là điều quan trọng”, lãnh đạo Alphanam cho biết.

Ông Hải cũng cho biết ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn lập kế hoạch với mục tiêu tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận, cho thấy các doanh nghiệp vẫn tự tin với sức đề kháng trong bối cảnh hiện tại.

“Với những người thiếu tự tin thì họ có thể mất đi cơ hội và mất đi nhuệ khí để vượt qua những khó khăn. Riêng với lĩnh vực bất động sản, có nhiều phân khúc vẫn còn cơ hội. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp nên hợp tác cùng nhau để cùng tìm kiếm cơ hội và vượt qua khó khăn”, ông Hải cho biết.

Anh Nguyễn