|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất là ai?

08:24 | 21/11/2020
Chia sẻ
Cho đến nay, ông chủ sở hữu phần lớn cổ phần tại nhà xe tại ga quốc nội Tân Sơn Nhất vẫn là nhân tố bí ẩn.
Nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất kiếm bộn tiền sau 4 năm vận hành - Ảnh 1.

Một góc nhà để xe ga quốc nội cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Nguồn: TCP Park).

Mới đây, sân bay Tân Sơn Nhất đã phân luồng lưu động dành cho người, phương tiện đưa đón hành khách áp dụng từ ngày 14/11 tại nhà ga quốc nội. 

Dù mới chỉ diễn ra vài ngày nhưng cách phân luồng mới dành cho các đơn vị kinh doanh vận tải ở khu sân bay đã gây ra nhiều khó khăn, bất cập với tài xế, đặc biệt là các tài xế công nghệ.

Trong đó, hầu hết hành khách đều phản ánh, để đón được taxi công nghệ thì khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với taxi truyền thống.

Cụ thể, theo cách phân làn mới, làn A (khu vực sát nhà ga quốc nội) chỉ dành cho phương tiện trả khách, ôtô không được đón khách tại làn này.

Hai làn B và C dành cho phương tiện đón khách (trừ taxi, xe kinh doanh vận tải). Làn D nằm trong nhà để xe ga quốc nội cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TCP Park - gọi tắt nhà xe TCP) dành cho xe taxi, xe kinh doanh vận tải đón trả khách.

Trong khi đó, riêng xe công nghệ (Grab, be…) phải đón khách ở tầng 3-5 của nhà xe và chịu phí ra vào nhà xe. Cụ thể, khách hàng phải chịu thêm khoản phí 25.000 đồng/lượt (gồm phí đậu xe trong 90 phút và miễn phí tiền ra vào sân bay) khi đưa xe vào nhà xe thay vì mức 10.000 đồng vào cổng sân bay như trước đây. Thậm chí, mức phí này còn tăng lũy tiến theo số giờ đậu xe thực tế. 

Cổ đông "không tên" tại nhà xe

Về phía nhà xe TCP, mặc dù mới được khởi công xây dựng từ 10/2015 và chính thức đi vào hoạt động toàn phần từ tháng 10/2016, đơn vị này đã có lãi sau hai năm vận hành, thậm chí ghi nhận lợi nhuận đột biến trong năm 2019.

Theo tìm hiểu, đơn vị đầu tư nhà để xe tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư TCP có vốn điều lệ 110 tỉ đồng, thành lập ngày 17/11/2015. 

Thời điểm thành lập, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) đã góp gần 6 tỉ đồng vào TCP, căn cứ theo dữ liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 đã kiểm toán.

Khoản góp vốn của ACV vào TCP tăng lên gần 14 tỉ đồng trong quí I/2016 và tiếp tục tăng lên 19,8 tỉ đồng ngay trong năm này.

Tính tới ngày 30/9/2020, khoản vốn góp của ACV vào TCP vẫn giữ nguyên ở mức 19,8 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ sở hữu là 18% tại đây. 

Dù vậy, cho đến nay, chủ sở hữu phần lớn cổ phần tại nhà xe này vẫn là nhân tố bí ẩn. Ngoài thông tin về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ông Phạm Văn Châu - Giám đốc công ty, cơ cấu cổ đông của TCP không được công bố trên Cổng thông tin về quốc gia đăng kí doanh nghiệp. 

Kinh doanh trên đà tăng tốc

Nhà xe TCP được giới thiệu có qui mô lớn nhất tại Việt Nam. Với tổng diện tích xây dựng lên tới gần 67.000 m2, sức chứa của nhà xe ở khu vực dành cho xe máy đạt gần 6.000 xe. Tương tự, khu vực đỗ xe dành cho taxi đón khách chứa được khoảng 700 xe và khu vực dành cho ô tô lưu thông tại sân bay khoảng 1.500 xe.

Nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất có lãi ngay sau 2 năm vận hành - Ảnh 2.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp)

Theo số liệu người viết có được, doanh thu của nhà xe TCP liên tục tăng trưởng, từ mức hơn 16 tỉ đồng năm 2016 lên hơn 141 tỉ đồng vào năm 2019.

Năm đầu tiên hoạt động, doanh nghiệp lỗ sau thuế 8,8 tỉ đồng và tiếp tục lỗ hơn 17 tỉ đồng năm sau đó. Sau hai năm, nhà xe chính thức có lãi gần 4,8 tỉ đồng.

Đến năm 2019, lợi nhuận của nhà xe TCP đạt trên 24 tỉ đồng và gấp 5 lần so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp trong năm 2019 đạt đến 55%.

Khoản lãi đột biến được nghi nhận trong bối cảnh nhà xe thông báo thay đổi giá dịch vụ xe ra vào từ ngày 1/1/2019.

Cụ thể, theo thông báo của TCP Park, từ 1/1/2019, công ty đã nâng giá dịch vụ trông giữ ôtô, cũng như phí ra vào nhà xe với tất cả phương tiện vận tải 2 bánh và 4 bánh.

Bảng giá dịch vụ trông giữ ôtô, phương tiện vận tải 2 bánh áp dụng từ ngày 1/1/2019 của nhà xe TCP. (Nguồn: TCP Park)

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của TCP Park đạt gần 548 tỉ đồng. Bên phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu hết năm 2019 là 119 tỉ đồng; nợ phải trả là 429 tỉ đồng, giảm gần 8% so với hồi đầu năm và phần lớn là nợ dài hạn. 

Thu Thảo