MWG đưa ĐMX Supermini tiến ra Bắc, bơm thêm tiền cho chuỗi An Khang khi Thế Giới Di Động hụt hơi
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2020, với doanh thu đạt 8.749 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 305 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng 10% và 8% so với cùng kì năm trước.
10 tháng đầu năm, MWG đạt tổng doanh thu thuần hợp nhất là 90.102 tỉ đồng (tăng 6%), lợi nhuận sau thuế là 3.283 tỉ đồng (tăng 1%).
Doanh nghiệp tiếp tục bảo vệ được biên lợi nhuận ròng lũy kế ở mức trên 3,6%. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 82% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch LNST cả năm 2020.
Theo báo cáo từ MWG, xét theo ngành hàng, tổng doanh thu 10 tháng đầu năm, nhóm điện lạnh và gia dụng tiếp tục tăng trưởng dương.
Máy tính xách tay mang về gần 3.000 tỉ đồng, tăng trưởng 43% so với 10/2019. Đồng hồ các loại ghi nhận tổng doanh số hơn 1.200 tỉ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kì năm trước.
Ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh của MWG tiếp tục tăng trưởng mạnh 108% so với cùng thời điểm trong năm 2019. Trái ngược, doanh thu chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động tiếp tục âm 13% trong 10 tháng đầu năm.
Bách hoá xanh đạt mốc doanh thu kỉ lục
Trong tháng 10/2020, chuỗi cửa hàng Bách hoá xanh (BHX) ghi nhận kỉ lục doanh thu mới, chính thức vượt mốc 2.000 tỉ đồng/tháng, tương đương mức tăng trưởng 8% so với tháng trước và 84% so với cùng kì năm 2019.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, BHX đóng góp 19% trong tổng doanh số của MWG.
Tại thời điểm 31/10/2020, BHX có tổng cộng 1.656 điểm bán, tăng thêm 33 cửa hàng trong tháng 10, với doanh thu bình quân tháng mỗi cửa hàng đạt hơn 1,2 tỉ đồng.
Báo cáo của MWG cho biết, BHX tiếp tục nỗ lực chuyển đổi các cửa hàng đang kinh doanh tốt sang mô hình "5 tỉ" (lớn hơn 500m2) để tăng doanh thu, giảm sự pha loãng doanh số bình quân trên 1 cửa hàng do hiệu ứng mở cửa hàng mới ở các thị trường tỉnh.
Đến nay, mô hình BHX "5 tỉ" đã hiện diện tại 10 tỉnh thành khu vực Nam Bộ với tổng số 72 cửa hàng, trong đó, thêm 37 cửa hàng mới chỉ trong tháng 10 và đóng góp 11% tổng doanh thu của chuỗi BHX.
Nhóm cửa hàng này đạt doanh thu trung bình hơn 3 tỷ đồng/cửa hàng/ tháng. Công ty đang hướng đến mục tiêu có hơn 100 cửa hàng "5 tỉ" trước cuối năm 2020.
Ông Trần Kinh Doanh - CEO MWG trong cuộc họp với các nhà đầu tư chiều 13/11, cho biết việc nâng cấp các cửa hàng BHX lên qui mô "5 tỉ" sẽ không gây ra hiệu ứng tự tước đoạt doanh thu với các cửa hàng xung quanh (store cannibalization).
Việc nâng cấp các cửa hàng BHX lên qui mô "5 tỉ" có một số khó khăn liên quan tới việc tìm kiếm mặt bằng lớn trong khu vực trung tâm thành phố, "tuy nhiên ban lãnh đạo công ty cũng đã có lời giải", ông Doanh cho hay.
Ban lãnh đạo công ty tin rằng vào năm 2021, chuỗi BHX sẽ bắt đầu có lợi nhuận thuần, biên lãi gộp phấn đấu đạt 30%. "Khi BHX mới ra đời, biên lãi gộp chỉ đạt hơn 10%, dần dần chúng tôi vượt mốc 15%, 20% và hiện nay là 25%, trong tương lai sẽ cố gắng vượt 30%", CEO công ty chia sẻ.
Ngày 17/11, nhằm mục đích tăng đầu tư các hoạt động kinh doanh của công ty nói chung và bổ sung vốn cho chuỗi BHX, MWG đã ra nghị quyết thông qua việc vay vốn từ ngân hàng HSBC với hạn mức tín dụng tối đa 120 triệu USD, khoảng 2.800 tỉ đồng, trong thời hạn hai năm. Ngoài ra, công ty có quyền chọn gia tăng thời hạn vay thêm 364 ngày.
Tính đến thời điểm cuối quí III, MWG đang vay nợ tài chính ngắn và dài hạn hơn 13.000 tỉ đồng, giảm hơn 1.150 tỉ đồng từ đầu kì. Trong đó, khoản vay từ ngân hàng HSBC khoảng 2.100 tỉ đồng, chiếm 16% tổng nợ vay tài chính của công ty.
"Bắc tiến" chuỗi Điện máy xanh Supermini
Tổng doanh thu của chuỗi TGDĐ & ĐMX tháng 10 đạt khoảng 6.700 tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kì do hai nguyên nhân là (i) sức cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử tiêu dùng còn yếu, chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch COVID-19 và (ii) tình hình bão lụt nghiêm trọng gây gián đoạn hoạt động kinh doanh tại miền Trung .
So với tháng 9, tổng doanh thu TGDĐ & ĐMX đã tăng khoảng 3% nhờ nỗ lực mở rộng mạnh mẽ các cửa hàng ĐMX Supermini để khai thác nhu cầu khách hàng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Về chuỗi cửa hàng ĐMX Supermini (ĐMS), tính tới cuối tháng 10, MWG đã triển khai mô hình này tới 26 tỉnh thành khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và miền Bắc với tổng số 107 cửa hàng, trong đó, 55 cửa hàng mở mới chỉ trong tháng 10.
Lũy kế từ khi bắt đầu triển khai đến hết tháng 10, ĐMS đóng góp gần 250 tỉ đồng, tương đương doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt hơn 1 tỉ đồng/tháng.
Việc mở rộng ở khu vực miền Bắc là bước đi mới của Công ty trong tháng 10 và cho ra kết quả khá khả quan, tạo động lực cho ĐMS tiếp tục được nhân rộng tại khu vực này trong thời gian tới.
Về chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động (TGDĐ), kết thúc tháng 10, chuỗi này ghi nhận doanh thu tăng 3% so với tháng 9/2020, đạt 6.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng đầu năm, TGDĐ vẫn đang ở mức tăng trưởng âm, giảm 13% so với cùng kì năm trước.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động, thị trường di động hiện đã rơi vào tình trạng bão hoà và sụt giảm và chuỗi này đang phải đặt mục tiêu gia tăng thị phần bằng cách mở rộng chuỗi Điện máy xanh Supermini.
Trong quí IV/2020, đại diện TGDĐ kì vọng doanh số bán điện thoại sẽ được cải thiện trong quí IV/2020 nhờ việc mở mới mạnh mẽ các cửa hàng Điện máy xanh (ĐMX) mini/supermini, các nhãn hàng ra mắt sản phẩm chủ lực trong thời gian tới và mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Trong đó, iPhone sẽ là dòng sản phẩm chủ lực khi có tín hiệu tốt so với năm 2019.
Tính tới thời điểm hiện tại, toàn hệ thống có 15.000 đơn đặt hàng, trong đó có khoảng 13.000 đơn đặt hàng khách hàng đặt cọc trước. So với cùng kì 2019 chỉ khoảng 8.000 đơn hàng và 6.000 đơn hàng đặt cọc, tức tăng gấp đôi.
"Dự báo đóng góp của iPhone trong quí IV/2020 và quí I/2021 là khá lớn. Ước tính doanh số iPhone trong hai quí tiếp theo sẽ tăng khoảng 30% so với cùng kì năm ngoái, đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu TGDĐ và ĐMX", ông Hiểu Em chia sẻ.
Tiếp tục "bơm tiền" vào Nhà thuốc An Khang
Về tình hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc An Khang, tính đến cuối tháng 10, có 42 nhà thuốc đang hoạt động, tăng gấp đôi số lượng cửa hàng trong vòng 4 tháng qua do có 21 điểm bán mới được sắp xếp đi cùng với mô hình BHX "5 tỉ".
Lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu của chuỗi An Khang ghi nhận mức tăng trưởng 157% so với cùng kì 2019. MWG bắt đầu triển khai một số thử nghiệm mới cho nhà thuốc An Khang và sẽ tập trung hơn việc đầu tư chuỗi này trong thời gian tới.
Đáng chú ý, kế hoạch rót thêm tiền vào chuỗi Nhà thuốc An Khang diễn ra trong bối cảnh chuỗi này vẫn ghi nhận hoạt động kinh doanh liên tiếp lỗ, với khoản lỗ hơn 9 tỉ đồng, theo Báo cáo tài chính quí III/2020 của MWG.
Cụ thể, sau 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên kết An Khang tiếp tục tăng thêm 3,8 tỉ đồng. Trước đó, MWG đã ghi nhận lỗ 2,1 tỉ đồng từ chuỗi này trong năm 2018 và lỗ tiếp 3,47 tỉ đồng trong năm 2019 cộng với khoản lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 là 3,8 tỉ đồng.
Như vậy sau hơn hai năm về chung nhà (cuối tháng 8/2018), MWG hiện ghi nhận 9,37 tỉ đồng thua lỗ tại chuỗi An Khang.
Cũng trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, CTCP Dược phẩm Pharmacity, chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam - Pharmacity cũng đã thông tin về mức lỗ hơn 194 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Đây được đánh giá là kết quả không mấy bất ngờ với doanh nghiệp trong ngành khi thị trường này vẫn còn đang phân mảnh, các chuỗi lớn chưa đủ sức cạnh tranh với nhà thuốc nhỏ lẻ và thói quen tiêu dùng cũ của đại đa số người dân.
Do đó, trước nay MWG vẫn chỉ giữ chân tại thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh. Có thời điểm trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đức Tài cho biết nếu trong tương lai, khung pháp lí trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm nới lỏng, rõ ràng hơn, MWG sẵn sàng tham gia mạnh mẽ hơn.
Với việc khẳng định tập trung đầu tư cho chuỗi nhà thuốc An Khang trong thời gian tới, có vẻ như MWG đã nhận thấy cửa sáng trong lĩnh vực kinh doanh nhiều tiềm năng này.