Chủ nghĩa bảo hộ đang gây ra mối đe dọa cho kinh tế toàn cầu
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ở Baden- Baden ngày 17/3. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Các Bộ trưởng Tài chính thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 21/4 đã nhóm họp bên lề Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ), nhất trí rằng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang gây ra mối đe dọa cho kinh tế toàn cầu.
Tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20, Bộ trưởng Tài chính Đức - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, Wolfgang Schaeuble nói, các Bộ trưởng đồng thuận rằng thương mại tự do là cần thiết cho tăng trưởng và chủ nghĩa bảo hộ sẽ cản trở kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế liên quan.
Sự đồng thuận này đánh dấu một thay đổi lớn kể từ hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại Đức một tháng trước, khi Mỹ phản đối đưa cam kết về chống chủ nghĩa bảo hộ vào thông cáo cuối cùng của hội nghị.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu sự đồng thuận vừa đạt được đó sẽ đi được bao xa.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhắc lại quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc bảo vệ nước Mỹ trước các hành động thương mại không công bằng.
Trong một tuyên bố ngắn gọn nhưng cứng rắn, ông Mnuchin nói Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng quan hệ thương mại với những đối tác cam kết cạnh tranh lành mạnh, trong khi quyết liệt hơn trong việc tự bảo vệ trước các hoạt động thương mại không công bằng.
Hội nghị đã không đưa ra thông cáo chung và phát biểu của ông Mnuchin đã làm "yếu đi" tuyên bố của ông Schaeuble về sự đồng thuận.
Tư tưởng chống toàn cầu hóa và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở các nền kinh tế lớn đã gây không khí căng thẳng tại hội nghị.
Những lo ngại đến từ đe dọa của ông Donald Trump là sẽ đánh thuế lên hàng hóa của những nước có thặng dư thương mại với Mỹ; quyết định của Anh về việc rời Liên minh châu Âu; và những tuyên bố chống toàn cầu hóa của một số ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.