|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ đầu tư dự án điện gió hơn 2.000 tỷ đồng tại Quảng Trị muốn bán 50% cổ phần cho hai đối tác Trung Quốc

15:08 | 04/12/2023
Chia sẻ
CTCP Điện gió Khe Sanh đang là chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1 với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án đã được đi vào vận hành và phát điện.

Quảng Trị được xem là thủ phủ của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. (Ảnh minh họa: Báo Quảng Trị).

Theo Báo Quảng Trị, ngày 26/9, CTCP Điện gió Khe Sanh có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất chuyển nhượng 50% cổ phần công ty cho pháp nhân thành lập ở Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài trên 50% vốn điều lệ, lần lượt là Công ty CNNC Overseas Internatinonal Investment Limited (Hong Kong) và Công ty TNHH Công trình đối ngoại Zhongyuan Trung Quốc (có địa chỉ ở Bắc Kinh).

UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị sau đó đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xin ý kiến đối với điều kiện bảo đảm an ninh - quốc phòng, điều kiện sử dụng đất đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đề xuất góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với dự án điện gió thực hiện tại khu vực miền núi, biên giới.

Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Trị đang chờ văn bản trả lời của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc xin ý kiến xem xét chuyển nhượng cổ phần của CTCP Điện gió Khe Sanh nói trên.

CTCP Điện gió Khe Sanh đang là chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1. Dự án được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư vào đầu tháng 12/2020.

Theo chủ trương, dự án được xây dựng tại các xã Tân Lập, Tân Liên, Húc, Hướng Lộc và thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Nhà máy gồm 12 trụ điện gió với công suất 49,2 MW. Dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng với thời gian hoạt động trong 50 năm kể từ ngày ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Điện gió Khe Sanh được thành lập ngày 13/7/2020 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện. Trụ sở chính công ty đặt tại TP Đông Hà, Quảng Trị.

Vốn điều lệ ban đầu là 400 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn Amaccao (trụ sở chính tại quận Tây Hồ, Hà Nội) là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ là 50% vốn. Ba cá nhân khác là Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Ngô Văn Trình (sinh năm 1983, quê quán Nam Định), ông Lại Duy Nam và bà Nguyễn Thị Mùi cùng thường trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Cơ cấu cổ đông của Điện gió Khe Sanh tại thời điểm thành lập ngày 13/7/2020. (Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

Chỉ trong vòng hai năm, CTCP Điện gió Khe Sanh liên tục thay đổi vốn điều lệ và tổng giám đốc, người đại diện pháp luật.

Tháng 4/2021, CTCP Điện gió Khe Sanh tăng vốn lên thành 550 tỷ đồng. 4 tháng sau, vốn điều lệ được nâng lên thành 650 tỷ đồng. Mới nhất, CTCP Điện gió Khe Sanh đã tăng vốn điều lệ lên thành 730 tỷ đồng vào tháng 3/2022.

Vào tháng 5/2021, ông Lại Duy Nam (sinh năm 1990) làm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật, thay thế cho ông Ngô Văn Trình. Lần gần nhất, ông Phạm Trung Kiên (sinh năm 1982 - thường trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật kể từ tháng 8/2022.

Ngoài ra, ông Kiên còn đang là đại diện pháp luật tại Công ty TNHH và Phát triển Dịch vụ Âu Cơ - một công ty có địa chỉ tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

Nói thêm về cổ đông sáng lập CTCP Điện gió Khe Sanh, Amaccao Group được thành lập vào tháng 9/2015. Website giới thiệu Amaccao đang đầu tư nhiều dự án năng lượng như Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1, Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 2, cả hai đều đã vận hành và phát điện.

Bên cạnh đó công ty còn đang xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin tại Hà Nội (mức đầu tư 3.850 tỷ đồng); đang vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nguyên Khê (Hà Nội). Ngoài ra, dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang đang được san nền và hoàn thiện các thủ tục để triển khai.

Minh Hằng

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.