|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chốt chặn cuối cùng mở ra EVFTA

10:14 | 01/07/2019
Chia sẻ
Những cam kết về đầu tư, lao động của hai bộ trưởng công thương và lao động đã giúp tháo gỡ chốt chặn cuối cùng cho ký kết EVFTA.

Những tràng pháo tay rền vang, những nụ cười tươi và những cái bắt tay nồng nhiệt trong khán phòng của lễ ký hai hiệp định EVFTA và EVFTA khép lại 9 năm đàm phán dài đằng đẵng.

“Hai Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa hai bên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá. Ông đã bay từ Nhật Bản về Hà Nội chỉ để chứng kiến lễ ký quan trọng này và rồi lại bay sang Tokyo dự G20. Gần như tất cả các thành viên chính phủ đều có mặt.

Bầu không khí hân hoan đó thể hiện tinh thần lạc quan trong bối cảnh “chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn”, như lời Thủ tướng nói.

Chốt chặn cuối cùng mở ra EVFTA - Ảnh 1.

EVFTA và EVIPA sẽ mạng lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Chín năm trôi qua, kể từ khi ý tưởng đầu tiên được manh nha bởi các lãnh đạo chính phủ Việt Nam và EU sau khi EU và Asean không thể tiến tới một hiệp định chung, EVFTA đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng phải tiếp tục kéo dài…

Cái chốt được mở ra trong chuyến đi Châu Âu của Thủ tướng tháng rồi, khi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã gặp người đồng nghiệm Tây Ban Nha để giải quyết nốt những bất đồng liên quan đến đầu tư và thương mại của nước này. Bên cạnh đó, cách đây 10 ngày Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung trong tư cách là đặc phái viên của Thủ tướng đã đến giải trình với EU tại Bỉ về lộ trình phê chuẩn 3 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và thông qua Luật Lao động với những sửa đổi tốt hơn cho công nhân tại kỳ hợp Quốc hội cuối năm nay.

Những nỗ lực không mệt mỏi của phía Việt Nam và cả EU đã giúp tháo chốt chặn cuối cùng, mở ra việc ký kết EVFTA hôm qua, theo đánh giá của một chuyên gia trong đoàn đàm phán.

Những cam kết về lao động và công đoàn với những tiêu chuẩn rất cao theo giá trị phổ quát là ưu tiên của EU, nhưng lại là điểm khó khăn bậc nhất với Việt Nam.

Cách đây 5 năm, khi cả EVFTA và TPP còn đang trong lộ trình đàm phán, cố vấn hội nhập của Thủ tướng, ông Trương Đình Tuyển đã bay từ Washinton về Hà Nội chỉ kịp nghỉ một đêm rồi xuống ngay Hạ Long để nói 10 phút về xã hội dân sự và công đoàn tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhằm cảnh báo về những cam kết chưa từng có tiền lệ này.

Ông nói lúc đó: “Tôi đồ rằng cái mà chúng ta kỵ cụm từ xã hội dân sự cũng giống như chúng ta đã từng kỵ thể chế kinh tế thị trường, coi đó là một sản phẩm của kinh tế tư bản. Và bây giờ, chúng ta cũng đang coi xã hội dân sự như là cấu trúc chính trị của chủ nghĩa tư bản.”

Ông bình luận: “Thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay không tương thích với TPP” và giải thích, trong TPP đề cao vai trò của xã hội dân sự, đề cao sự tự do thành lập các hiệp hội. “Đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị với chúng ta”, ông nói thêm.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, nghị sĩ Bernd Lange đã nhiều lần nhắc đến nghĩa vụ phê chuẩn 3 công ước này như là điều kiện tiên quyết cho EVFTA.

“Đây không phải là vấn đề chính trị, mà là vấn đề mang tính nguyên tắc. Ba công ước là luật lệ quốc tế đã được công nhận rộng rãi để đảm bảo thương mại công bằng. Nghị viện châu Âu bám chặt vào các nguyên tắc này”, ông nói khi đến Hà Nội năm ngoái.

Tuy nhiên, lộ trình phê chuẩn không phải quá chặt chẽ. Ông Lange gợi ý trường hợp Canada cho Việt Nam. Quốc gia này không thể phê chuẩn kịp 8 công ước của ILO trước khi thông qua FTA với EU nhưng họ cam kết lộ trình phê chuẩn, thực hiện cụ thể. “Chưa hẳn 8 công ước này đã phải phê chuẩn ngay, nhưng ít ra họ (Canada) đưa ra cam kết về lộ trình phê chuẩn, thực thi, giám sát rất cụ thể”, ông nói với gợi ý rất rõ rệt cho Việt Nam.

Công ước 87 có 4 nguyên tắc cơ bản bao gồm: người lao động và người sử dụng lao động có quyền tự do thành lập và tham gia tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động; có quyền tự quyết công việc nội bộ của tổ chức; bảo vệ tổ chức trước việc đình chỉ tạm thời hoặc giải tán bởi chính quyền; có quyền tự thành lập hoặc tham gia liên đoàn, tổng liên đoàn và quyền liên kết với các tổ chức quốc tế.

Những cam kết này đã được tích hợp vào điều 172 “Thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở” trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội cuối năm.

Đây là những cam kết chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, dù đã trở nên phổ quát trên thế giới, nhất là Châu Âu.

Những lời nhắn nhủ của ông Tuyển, ông Lange và nhiều người khác trong quá trình dài vừa qua đã giúp xuất hiện những dấu hiệu rất tích cực.

Uỷ ban châu Âu (EC) trong thông cáo nhân lễ ký Hiệp định hôm qua khẳng định, EU hoan nghênh những bước tích cực gần đây của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề về lao động, cụ thể là việc phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Thương lượng tập thể cũng như kế hoạch thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tiếp theo vào mùa thu năm 2019.

EU cũng hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về việc trình Công ước 105 và 87 của ILO lên Quốc hội Việt Nam để tiến hành thủ tục phê chuẩn các công ước này vào các năm tương ứng là 2020 và 2023.

Sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình thực thi chương này ở cả phía EU và Việt Nam, thông qua Nhóm Cố vấn Trong nước (DAG), cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với hiệu quả thực thi của Chương (lao động).

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: “Dù thế nào, chúng ta vẫn phải đổi mới hệ thống quan hệ lao động và công đoàn cho phù hợp với một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, cũng như phù hợp với xu hướng chung của thế giới”.

EVFTA là một hiệp định thế hệ mới khác hẳn các FTAs trước đây ở chỗ, chế tài của nó là mạnh mẽ và nghiêm khắc, được đưa ra sau khi có tư vấn độc lập.

Trong một thông cáo ngày 17 tháng 10 năm 2018, Hội đồng Châu Âu đã khẳng định, có một liên kết thể chế và pháp lý giữa EVFTA và Hiệp định đối tác và hợp tác EU-Việt Nam (ký năm 2012). Liên kết này cho phép các biện pháp được coi là phù hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc đình chỉ Hiệp định Thương mại.

Tuy nhiên, cách tiếp cận thì mềm dẻo hơn nhiều. Được hỏi liệu EU có áp dụng chế tài trong trường hợp, giả sử, Việt Nam chưa đáp ứng các cam kết trong chương Lao động của EVFTA bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU đáp: “Khi có vấn đề thì chúng ta phải đối thoại để giải quyết tranh chấp. Chúng ta có kinh nghiệm và cần giải quyết vấn đề thay vì đưa ra trừng phạt”.

Cách tiếp cận đó không làm mất mặt đối tác chiến lược của định thế này.

Tư Giang