Chống nhóm lợi ích: không thể chần chờ!
Thay vì chính sách phải hướng tới phục vụ lợi ích chung của đông đảo người dân thì nó chỉ tạo điều kiện cho một nhóm người vơ vét cho đầy túi tham. Đảng và Chính phủ đã nhìn ra sự nguy hiểm khôn lường của các nhóm lợi ích trong phát triển đất nước, chăm lo cho cuộc sống người dân nên đã có rất nhiều chính sách quyết liệt, mạnh mẽ để xử lý vấn nạn này. Thế nhưng, khách quan mà nói, chống nhóm lợi ích, không dễ.
Nhóm lợi ích thường rất khéo lồng các lợi ích của mình dưới một mục tiêu tốt đẹp. Đơn cử, một vấn đề đang nóng hổi trên các mặt báo trong thời gian qua: đầu tư phát triển hệ thống giao thông theo hình thức BOT và BT. Nói đến làm đường mới hoặc cải tạo lại đường cũ, để đi lại tốt hơn, người dân nào chẳng ủng hộ. Thế nhưng, người dân nào biết, trong rất nhiều dự án, những người thực hiện đã lợi dụng sự ủng hộ đó để tính toán cho riêng mình.
Chỉ cải tạo đường cũ nhưng thu phí như đường mới; chỉ định thầu với nhiều ưu đãi cho nhà thầu để rồi được “cám ơn” hậu hĩ… Một ví dụ khác, xin điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ xây dựng, chiều cao… với lý do phục vụ phát triển kinh tế, dẫu rằng nếu bị truy hỏi đến tận cùng, những người này sẽ chẳng đưa ra được lý do hợp tình, hợp lý. Chưa kể, nhóm lợi ích còn liên kết mạnh mẽ, thậm chí lôi kéo luôn nhiều cán bộ đang có chức trách trong bộ máy nhà nước vào nhóm. Không ít người trong số quan chức này lại nắm giữ những vị trí mà người dân bình thường rất khó thực hiện chức năng giám sát….
Tuy nhiên, khó không có nghĩa không làm được. Vấn nạn nhóm lợi ích, lợi ích nhóm xuất hiện và tồn tại ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển và nhiều quốc gia đã xử lý vấn nạn này rất hiệu quả. Vấn đề là cách làm và sự quyết tâm.
Nhà nước kêu gọi và thậm chí có nhiều quy định bắt buộc công khai, minh bạch trong rất nhiều vấn đề từ chủ trương đến chính sách, đặc biệt các dự án lớn, để người dân có điều kiện giám sát. Đây là hướng đi đúng mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp, việc này được thực hiện rất hành chính, hình thức và hoàn toàn không mang lại hiệu quả. Đơn cử, để công khai quy hoạch cho người dân biết, nhiều địa phương treo nguyên một bản đồ quy hoạch dày đặc các thông số kỹ thuật mà ngay cả người trong nghề cũng khó hiểu, huống gì người dân. Hay như chuyện lấy ý kiến người dân trong việc thực hiện dự án BOT Cai Lậy. Ngành chức năng khăng khăng là đã tham khảo ý kiến người dân. Vậy họ lý giải thế nào về việc người dân phản đối?
Phải đi vào thực chất hơn nữa, cụ thể hóa hơn nữa các chủ trương công khai, minh bạch của Nhà nước. Đó là chìa khóa để “mở” các cánh cửa đóng im ỉm với rất nhiều toan tính cho lợi ích nhóm, bên trong.
Cùng với đó là xử lý nghiêm khắc các cán bộ có hành vi tiêu cực, hối lộ, tham nhũng, bởi nhóm lợi ích chỉ tồn tại khi bắt tay được với các cán bộ biến chất này. Các biểu hiện giàu bất thường, sở hữu tài sản khủng cần được điều tra làm rõ. Những giải thích kiểu như “làm chổi đót, làm giá, đỗ” mà giàu, cần phải giải trình cụ thể: sản xuất với quy mô nào? Ở đâu? Bao giờ? Số thuế đóng cho Nhà nước? Lợi nhuận tích lũy bao lâu thì đủ sở hữu tài sản khủng?... Tài sản được cho, tặng… cần làm rõ ai tặng? Người đó kinh doanh như thế nào để có tài sản cho, tặng?... Nếu không bóc tách đến tận cùng vấn đề như vậy, không thể chống nhóm lợi ích.
Như đã nói ở trên, nhóm lợi ích và lợi ích nhóm đã, đang làm biến dạng nhiều chủ trương chính sách đúng đắn của Nhà nước và làm xói mòn niềm tin của người dân vào các chính sách này. Do vậy, chống nhóm lợi ích và lợi ích nhóm, không thể chần chờ.
Cài cắm lợi ích nhóm vào giấy phép con “Cứ 10 điều kiện kinh doanh được cắt giảm thì lại có bảy điều kiện kinh doanh khác tăng thêm” - luật sư Trương Thanh ... |
Quy hoạch không thể chạy theo 'ông này hay ông kia' Khi làm quy hoạch, cần phải đứng trên góc độ lợi ích chung của đô thị, chứ không phải của nhà đầu tư hoặc những ... |