Chống chuyển giá như chăm cây từ gốc
Nhưng lâu nay việc chống chuyển giá dường như mới có sự tham gia đơn lẻ của ngành thuế. Điều này tương tự việc trồng cây nhưng lại chỉ chăm sóc từ phần ngọn.
Trong khi đó, cái gốc của vấn đề là phải cân bằng được lợi ích kinh tế với việc thu hút đầu tư. Đây sẽ làm kim chỉ nam để Việt Nam tiến hành xây dựng một hệ thống chính sách toàn diện, thông suốt nâng cao tính chiến đấu trong đấu tranh chống chuyển giá.
Bài 1: Bài toán cân bằng lợi ích
Suốt một thời gian dài, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI được coi là một trong những thế mạnh của Việt Nam trong thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.
Nhìn lại 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có một loạt thay đổi chính sách thuế theo hướng giảm dần thuế suất, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để dành ưu tiên đối với loại hình doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế khẳng định, cách làm trên chưa mang lại hiệu quả lớn đối với nền kinh tế khi nhìn lại những đóng góp của doanh nghiệp FDI thời gian qua.
Giảm để thu hút
Là một đại lý thuế, bà Nguyễn Thúy Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Đại lý thuế TAC có thâm niên gắn bó nhiều doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau.
Qua thực tế công việc bà Hồng không khỏi trăn trở, bản thân doanh nghiệp FDI có lợi thế rất lớn về nguồn vốn khi đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam dành nhiều ưu đãi về các loại thuế suất, thuế đất đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện thẩm định phê duyệt dự án đầu tư lại chưa có những ràng buộc đủ mạnh để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và thu hút đầu tư.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức chống đói nghèo quốc tế ActionAid tại Việt Nam cũng nhìn nhận, nhiều năm trước đây, Việt Nam ở trong tình trạng, các địa phương chạy đua để thu hút đầu tư nước ngoài với phương châm “kéo” càng nhiều doanh nghiệp càng tốt.
Hiện Việt Nam cũng như nhiều nước ASEAN khác vẫn tư duy cố hữu khi sử dụng giải pháp thu hút FDI chính là giảm thuế.
Thực tế qua 30 năm đổi mới tại Việt Nam, tính bên cạnh cải cách các chính sách ưu đãi thuế TNDN, việc Quốc hội Việt Nam nhiều lần điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN đã giúp môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, mức thuế suất thuế TNDN từ 32% năm 1997 đã giảm xuống còn 20% từ đầu năm 2016 và tiếp tục được xem xét, đề xuất giảm xuống dưới 20%.
Theo Kỷ yếu Hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 1987 – 2004 với mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các chính sách thuế đối với khu vực này đã dành mức ưu đãi cao hơn hẳn cả về thuế suất, thời gian miễn thuế, giảm thuế so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.
Theo đó, tùy theo lĩnh vực, từng địa bàn đầu tư, doanh nghiệp được áp dụng thuế suất ưu đãi là 10%, 15% và 20% và miễn, giảm thuế tương ứng. Trong đó, mức miễn thuế tối đa là 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.
Giai đoạn từ năm 2004 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng mức giá dịch vụ đầu vào bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước.
Điều này được thể hiện trong Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11 ngày 17/6/2003 - một trong những văn bản luật đầu tiên thiết lập chế độ đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đặc biệt là áp dụng đối xử bình đẳng giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.
Không có nhiều sửa đổi như Luật thuế TNDN, nhưng Luật Thuế xuất nhập khẩu một thời gian dài cũng có những quy định hướng nhiều tới đối tượng là doanh nghiệp FDI. Cụ thể, tại Luật Thuế xuất nhập khẩu số 45/2005/QH11 có quy định, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài. Khi doanh nghiệp xuất trả sản phẩm cho phía nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu.
Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công cho phía Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu và khi nhập khẩu trở lại được miễn thuế nhập khẩu trên phần trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công theo hợp đồng….
Doanh nghiệp FDI còn được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến 20/9/2016, tổng số dự án thu hút FDI vào Việt Nam (cấp mới và còn hiệu lực) khoảng 21.400 dự án tương ứng với tổng nguồn vốn khoảng 278,1 tỷ USD.
Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm nay, trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với trên 4,5tỷ USD, chiếm 40,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore trên 1,25 tỷ USD, chiếm 11,2%; Trung Quốc 665,2 triệu USD, chiếm 6%; Nhật Bản 659,7 triệu USD, chiếm 5,9%...Nhìn vào con số này có thể thấy, hầu hết nguồn vốn đầu tư lớn thuộc top đầu đều đến từ châu Á.
Đã đến lúc cần tăng "chất"
Không thể phủ nhận trong những giai đoạn đầu mở cửa thị trường, nguồn lực còn hạn chế thì việc áp dụng tối đa các ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết về lượng, nhưng đã đến lúc việc thu hút đầu tư nước ngoài được chỉnh theo hướng tăng chất.
"Chất" ở đây trước tiên là hiệu quả thể hiện qua đóng góp thuế, việc làm, qua việc đầu tư công nghệ sạch và kiên quyết không đánh đổi môi trường...
Trong thời gian qua, m inh chứng rõ nhất đối với câu chuyện thu hút FDI mới chỉ tăng về quy mô mà còn thiếu đi chất lượng chính là nguồn thuế TNDN với loại hình doanh nghiệp này chưa tương xứng với những ưu đãi.
Châm ngòi cho câu chuyện này chính là việc Công ty Coca - Cola sau khoảng 20 năm đầu tư tại Việt Nam, đến năm 2014 mới bắt đầu nộp thuế.
Tiếp câu chuyện của Coca – Cola, hệ thống siêu thị Metro tại Việt Nam sau hàng chục năm hưởng ưu đãi đã chuyển nhượng cho đối tác Thái Lan.
Gần đây nhất, thương vụ chuyển nhượng của siêu thị Big C cho Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group tiếp tục khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có việc một số nhà đầu tư đang lạm dụng các chính sách ưu đãi hay không?
Thực tế cho thấy, sau thời gian dài nhận ưu đãi ở Việt Nam, công ty này cũng như hệ thống siêu thị Metrol đã rời bỏ nước đầu tư bằng cách chuyển nhượng cho một Tập đoàn bán lẻ Thái Lan. Với sự chuyển nhượng này, Việt Nam chỉ thu được thuế chuyển nhượng của doanh nghiệp chứ không thu được TNDN.
Nói rõ hơn thương vụ chuyển nhượng này, trong cuộc họp mới đây của Tổng cục Thuế, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, theo quy định của Luật Quản lý Thuế, doanh nghiệp tự kê khai, tự tính thuế và tự nộp thuế.
Thương vụ chuyển nhượng của BigC được thực hiện vào cuối tháng 4/2016. Trong quá trình thực hiện chuyển nhượng, đoàn thanh tra đôn đốc nghĩa vụ kê khai, tự kê khai, tự tính và tự nộp vào ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp.
Theo quy định, chính sách thu thuế chuyển nhượng được tính là 20%/thu nhập chuyển nhượng hoặc kê khai. Theo đó, BigC đã kê khai 2.034 tỷ đồng và đến ngày 24/8 vừa qua, Kho Bạc Nhà nước báo BigC nộp đủ số tiền chuyển nhượng trên.
Các ví dụ trên cho thấy, chính sách giảm thuế TNDN trong thời gian dài vừa qua tác động chưa thực sự hiệu quả đối với các doanh nghiệp. Bởi thuế TNDN chỉ được tính khi doanh nghiệp có lãi.
Theo tính toán của Tổ chức chống đói nghèo quốc tế ActionAid Việt Nam , mỗi năm Việt Nam thất thu nhiều triệu USD do các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp FDI.