‘Chôn’ tiền tích lũy chờ giá nhà giảm để mua: Chờ đến bao giờ?
Dịch COVID-19 khiến nguồn cung căn hộ sụt giảm lớn, ảnh hưởng đến cả lượng tiêu thụ nhưng giá bán căn hộ ở cả Hà Nội và TPHCM đều tăng. Thậm chí nếu quan sát từ năm 2013 đến nay, giá nhà chỉ có chiều hướng đi ngang hoặc đi lên chứ không có bất cứ giai đoạn nào đi xuống.
Giá bán căn hộ sơ cấp tại TP HCM (trái) và Hà Nội (phải). (Nguồn: JLL).
Xét cho cùng, đây cũng là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong thời gian qua. Tỷ lệ đô thị hóa đang tăng lên mạnh mẽ nhưng lại tập trung tại một số trung tâm là những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung không đủ đáp ứng.
Ngoài ra còn một số yếu tố khác tác động gián tiếp hoặc trực tiếp đến đà tăng của giá nhà được các chuyên gia chỉ ra như chính sách, kinh tế vĩ mô, tâm lý tích trữ tài sản của người dân do lo ngại tiền mất giá,...
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam phân tích, nhu cầu của người mua, đặc biệt là người mua để ở hiện nay vẫn rất lớn. Bằng chứng là những dự án mà chủ đầu tư bằng cách này hoặc cách khác đưa ra thị trường trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là các dự án trong phân khúc vừa túi tiền có tỷ lệ tiêu thụ rất tốt.
Khi doanh nghiệp chia đợt ra bán thì gần như đợt chào bán nào cũng đạt mức tiêu thụ trên 80%. Điều đó có nghĩa, nhu cầu vẫn cao trong khi nguồn cung hạn chế. Do đó, các chủ đầu tư có xu hướng đưa giá bán cao hơn.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, tất cả các chi phí liên quan đến phát triển sản phẩm thời gian gần đây cũng cao hơn so với bình thường. Ngoài chi phí liên quan đến xây dựng, vật liệu và vận chuyển hàng hóa, chi phí vốn, chi phí trả lãi ngân hàng mà đặc biệt là các sản phẩm chào bán trong giai đoạn này cũng khác biệt rất nhiều so với những sản phẩm ở thời điểm trước dịch COVID-19.
"Các sản phẩm này được đầu tư nhiều hơn và chủ đầu tư phải bỏ ra số vốn để xây dựng và phát triển, nên sẽ khiến cho giá thành của sản phẩm bị đội lên", bà Dung nói.
Càng chờ, giá nhà càng tăng
Theo dự báo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường, từ nay đến cuối năm, thậm chí là trong những năm tới, giá nhà sẽ tiếp tục tăng. Đây cũng là một bài toán hóc búa với những người đã có tích lũy nhưng chưa đủ. Nên vay thêm ngân hàng để mua hay tiếp tục chờ đợi đến khi có đủ tài chính?
Bà Dung đánh giá đây là một câu hỏi rất khó bởi nguồn cung căn hộ vốn đã hạn chế, nguồn cung căn hộ bình dân và vừa túi tiền lại càng hạn chế hơn.
"Ai muốn mua hãy cứ mua bởi nếu đợi thêm một thời gian nữa, giá nhà cũng sẽ tăng lên tương ứng và số tiền tích lũy khi đó lại càng trở nên eo hẹp hơn. Giá căn hộ trong năm nay đã tăng khoảng 13 - 14% so với năm trước. Trong tăm 2020, giá cũng tăng khoảng 10% so với năm 2019. Nếu đợi thêm cũng không có những sản phẩm rẻ hơn", vị này cho biết.
Bà Dung khuyến nghị, những người hiện có tích lũy khoảng 500 triệu đồng có thể cân nhắc hai phương án. Thứ nhất, nếu chỉ có sự hỗ trợ từ ngân hàng thì nên chọn căn hộ có giá trị dao động trong khoảng 800 đến 1 tỷ đồng (chỉ nên vay 30 - 50% giá trị sản phẩm).
Phương án thứ hai là có sự hỗ trợ từ cả ngân hàng và chủ đầu tư. Nếu lựa chọn mua sản phẩm ngay từ đầu, các chủ đầu tư thường đưa ra phương thức thanh toán rất linh hoạt, hỗ trợ nhiều cho người mua và thậm chí cho trả góp không lãi suất, không phải trả vốn trong thời gian 2 đến 3 năm. Đây cũng là một điều mà các khách hàng có thể cân nhắc.
Cũng theo vị chuyên gia này, khách hàng hoàn toàn có thể nghĩ đến việc vay ngân hàng. Bởi từ nay đến đầu năm 2022 các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm lãi suất thêm một điểm phần trăm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý bởi sau 1-2 năm, các ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó Tổng giám đốc DHA Corporation cho rằng, nếu muốn mua căn hộ thì không nên chần chừ. Bởi tốc độ gia tăng giá trị tài sản thường nhanh hơn tốc độ gia tăng tích lũy hay gia tăng thu nhập của cá nhân.
Đặc biệt, không nên chần chừ trong quyết định chọn nơi an cư khi đã có nguồn tài chính bởi có rất nhiều giải pháp. Đơn cử như vay ngân hàng hoặc giải pháp khác an toàn và không áp lực nợ vay là thanh toán linh hoạt với chủ đầu tư.
"Tuy nhiên, dù là giải pháp nào, người mua cũng cần quan tâm đến thu nhập của mình có đủ nguồn thu để chi trả cho những khoản đóng góp hàng tháng hay khoản chi cho tương lai bao gồm cả gốc lẫn lãi cho căn hộ trong tương lai hay không", bà Thủy cho hay.