|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chớ vội kết hôn trong năm 2019 nếu bạn đang mắc phải 6 sai lầm tài chính này

09:00 | 08/02/2019
Chia sẻ
Những cặp đôi đang lên kế hoạch kết hôn trong năm 2019 nên loại bỏ ngay 6 sai lầm tài chính tai hại này trước khi quyết định chung sống.

Thách thức tài chính của những người độc thân

Nếu giới độc thân có những thách thức tài chính cá nhân để đối phó thì những cặp đôi dự định kết hôn còn phải đối mặt với khó khăn gấp hàng trăm lần. Hậu quả của việc quản lý tiền lỏng lẻo như nợ nần, tranh cãi, thậm chí là li hôn gây ra tốn kém và thiệt hại đáng kể về cả tài chính lẫn xã hội. Đó là lý do tại sao cùng nhau xây dựng và thường xuyên đánh giá lại một kế hoạch tài chính gia đình bền vững trước khi kết hôn lại quan trọng như vậy.

Dưới đây là 6 sai lầm tài chính phổ biến khiến các cặp đôi thường tranh cãi và “vỡ mộng” về cuộc sống hôn nhân gia đình. Nắm rõ để khắc phục ngay hôm nay trước khi quá muộn.

cho voi ket hon trong nam 2019 neu ban dang mac phai 6 sai lam tai chinh nay
Nguồn: Getty

1. Đám cưới xa hoa

Ngành công nghiệp tổ chức đám cưới ở Mỹ đã có sự bùng nổ trong những năm gần đây. Một lễ cưới trung bình của người Mỹ tốn khoảng 30.000 USD. Nếu bạn đã từng lên kế hoạch cho một đám cưới, bạn sẽ biết rằng nỗ lực đáp ứng những kỳ vọng vô lý và phù phiếm có thể tiêu tán một gia tài.

Ngày nay, các cặp vợ chồng trẻ gặp khó khăn hơn 20 năm trước khi nghĩ đến đám cưới. Hôn lễ đã trở thành một khoản chi phí rất lớn và nhiều cặp vợ chồng trẻ phải vật lộn để trả hết nợ sau một buổi lễ hoành tráng nhưng không còn lại gì ngoài một album ảnh đẹp. Bắt đầu cuộc sống hôn nhân với khoản nợ trên lưng thực sự không phải ý kiến hay. Tất nhiên, nếu bạn đủ khả năng chi trả và một công việc lương cao, bạn có quyền theo đuổi sở thích cá nhân của mình.

2. Ưu tiên sở thích cá nhân

Ưu tiên sở thích cá nhân là một thói quen chi tiêu gần như không thể tránh khỏi. Hầu hết chúng ta đều chuyển từ những sinh viên nghèo sang một nhân viên với khoản thu nhập dồi dào hơn trước và tất nhiên, nuông chiều bản thân chút ít cũng không sai trái. Tuy vậy, thói quen chi tiêu cho những thứ tức thời có thể tạo ra tác động xấu đến tương lai của bạn.

Nhiều người dành tất cả thu nhập của mình để cải thiện đời sống và vay mượn nhiều hơn để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Các cặp vợ chồng trẻ thường vẫn giữ thói quen này sau khi đã kết hôn. Ngôi nhà mới với tiện nghi cao cấp, một chiếc ô tô trả góp mới tinh sẽ không phải vấn đề cho đến khi bạn phải thanh toán hóa đơn hàng tháng.

Đặc biệt, sau khi bạn đã có con nhỏ, bạn sẽ thấy rằng việc bỏ ra hàng chục triệu đồng mua mẫu điện thoại mới ra thật sự không có nhiều lợi ích bằng tiền bỉm sữa hoặc học phí cho nhà trẻ.

3. Không lập kế hoạch bảo vệ tài chính

Một sai lầm phổ biến khác mà các cặp đôi trẻ gặp phải là không lập kế hoạch bảo vệ tài chính hợp lí. Bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ rất đắt đỏ nhưng chúng đặc biệt cần thiết khi bạn kết hôn và thậm chí còn hơn thế nếu bạn có con.

Bảo hiểm y tế cần được ưu tiên bởi bất cứ ai cũng có thể gặp vấn đề đột ngột về sức khỏe. Hóa đơn y tế là nguyên nhân hàng đầu gây phá sản ở Mỹ vì không ai có thể trả những khoản viện phí khổng lồ đột ngột ập tới. Ngoài ra, bạn cũng cần lên kế hoạch kinh tế cho việc mang thai và sinh nở nếu khả năng tài chính của hai người không thể chi trả hàng chục triệu đồng cho dịch vụ ở các bệnh viện tư.

cho voi ket hon trong nam 2019 neu ban dang mac phai 6 sai lam tai chinh nay
Nguồn: Getty

4. Ngân sách không phù hợp cho cả hai

Để có một cuộc sống hôn nhân dễ chịu và suôn sẻ, điều quan trọng nhất là xây dựng được ngân sách hàng tháng phù hợp với mọi nhu cầu của cả hai người. Khi xây dựng ngân sách, điều rất quan trọng là sự bình đẳng với quyền lợi bình đẳng trong quản lý tiền bạc. Nếu một đối tác kiếm được nhiều tiền hơn, điều đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc họ có quyền kiểm soát nhiều hơn.

Ngồi xuống với đối tác của bạn và xem xét từng khoản nợ riêng và chung trước khi kết hôn, những gì mỗi bạn sở hữu và khoản tiền kiếm được mỗi tháng của từng người. Sau đó, chi phí cố định như tiền thuê nhà, hóa đơn điện – nước… nên được chia sẻ công khai. Bạn có thể nghĩ rằng đây là một chuyện đơn giản nhưng chúng lại là nguyên nhân hàng đầu gây tranh cãi giữa các cặp vợ chồng.

5. Không thảo luận về tài chính trước khi kết hôn

Nhiều người có thể ngạc nhiên bởi ảnh hưởng từ một người bạn đời không biết cách chi tiêu, nợ nần và thất nghiệp gây ra. Viễn cảnh tranh cãi hàng ngày về ngân sách, tiết kiệm và thói quen phung phí là không xa lạ.

Cathy Pareto, cố vấn tài chính của Coral Gables nói: "Thảo luận từ sớm và thường xuyên với người yêu là rất quan trọng để tránh được những xích mích về lâu dài. Mỗi người nên công khai số tiền kiếm được, cách chi tiêu hiện tại và tương lai, kế hoạch tiết kiệm cũng như khoản chi tiêu mỗi tháng”. Tỉnh táo nhìn nhận vấn đề này từ sớm thậm chí có thể giúp bạn tránh được một cuộc hôn nhân sai lầm.

6. Một người gánh toàn bộ chi tiêu

Khi hẹn hò, bạn thấy rằng việc nam giới trả tiền là bình thường và ga lăng nhưng trong một cuộc hôn nhân, duy nhất một người gánh mọi chi phí có thể khiến một đối tác cảm thấy nặng nề trong khi người kia cảm thấy lạc lõng và vô dụng. Trong trường hợp li hôn hoặc tai nạn xảy ra với người quản lí kinh tế, người còn lại phải chịu nhiều rủi ro tài chính hơn.

Vì vậy, cả hai cá nhân nên là người tham gia tích cực trong việc quản lý tài chính gia đình. Để xây dựng thói quen này với đối tác, bạn nên giải thích rõ ràng trong giai đoạn chuẩn bị kết hôn thay vì e ngại. Một giải pháp đơn giản khác cho các cặp vợ chồng mới cưới là thay phiên nhau quản lý tài khoản mỗi tháng để cả hai người nhận thức được những khó khăn thực tế của tài chính.

Xem thêm

Thu Phương