Cho vay ngang hàng ở Trung Quốc lâm khủng hoảng
Dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P): Tiềm ẩn quá nhiều rủi ro | |
Cho vay ngang hàng - 'Cánh cửa' mới cho những người khó vay ngân hàng |
Theo số liệu của Citi, chỉ sau vài năm phát triển, lĩnh vực cho vay ngang hàng ở Trung Quốc đã đạt quy mô 1,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 188,7 tỷ USD - Ảnh: Getty/CNBC. |
Theo tin từ CNBC, đối tượng mà Chính phủ Trung Quốc nhằm vào trong đợt tăng cường giám sát này là các trang cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending, còn gọi là P2P). Những trang web này tuyên bố kết nối giữa nhà đầu tư và người muốn vay tiền thông qua mạng Internet, giúp người có tiền cho vay có cơ hội để tạo thu nhập, đồng thời mang lại cơ hội vay tiền cho những người không thể vay vốn ngân hàng.
Các công ty P2P đã "mọc lên như nấm" ở Trung Quốc trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ ở nước này không thể vay vốn ngân hàng do thiếu vắng một hệ thống đánh giá điểm tín dụng rộng rãi và đầy đủ. Vào năm 2015, số công ty P2P ở Trung Quốc lên tới con số 3.500, nhưng đến nay đã đóng cửa khoảng một nửa.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, nhà chức trách Trung Quốc đã vạch ra 10 biện pháp chính sách, bao gồm cấm mở thêm các trang web cho vay trên mạng, yêu cầu các trang công ty P2P hiện có dỡ bỏ các rào cản đối với việc khách hàng khiếu nại, tăng cường hình phạt đối với các công ty có hành vi lừa đảo, thiết lập chương trình bồi thường cho cổ đông các công ty P2P phá sản…
Chỉ từ tháng 6, đã có 73 trang web P2P "sập tiệm" do vấn đề thanh khoản, theo một báo cáo của Citigroup hôm 18/7. Báo cáo này nhận định sẽ chỉ có chưa đầy 200 trang web P2P ở Trung Quốc có thể tồn tại.
Giới phân tích cho rằng làn sóng sụp đổ trong lĩnh vực cho vay ngang hàng ở Trung Quốc có thể bắt nguồn từ ba yếu tố: môi trường tín dụng vĩ mô bị thắt chặt, chi phí gia tăng khiến nhiều trang web P2P phải tự động đóng cửa; và các đợt rút vốn ồ ạt do nhà đầu tư hoảng sợ đã khiến những quỹ không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng rơi vào tình trạng "trở tay không kịp".
Các vụ đóng cửa liên tiếp quỹ cho vay ngang hàng đã có một số ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Chẳng hạn, chuỗi cửa hàng tiện ích Linjia ở Bắc Kinh đã phải đóng cửa hồi đầu tháng này sau khi cảnh sát mở một cuộc điều tra nhằm vào người chủ duy nhất của công ty vì cho rằng người này điều hành một chương trình lừa đảo Ponzi đội lốt cho vay ngang hàng.
Tuần trước, các nhà đầu tư mất tiền vì các quỹ P2P đóng cửa đã tìm cách tổ chức một cuộc biểu tình ở quận tài chính tại Bắc Kinh, nhưng bị cảnh sát giải tán.
Theo số liệu của Citi, chỉ sau vài năm phát triển, lĩnh vực cho vay ngang hàng ở Trung Quốc đã đạt quy mô 1,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 188,7 tỷ USD. Tuy nhiên, dự nợ của lĩnh vực này chỉ tương đương khoảng 1% tổng lượng vốn cho vay trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.