|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cho vay bất động sản tính đến cuối tháng 2 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng

17:23 | 31/03/2023
Chia sẻ
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 2/2023 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,19% so với cuối năm ngoái.

(Ảnh minh họa: H.L).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. 

Riêng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 2/2023 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng; tăng 2,19% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng). Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản tăng 6,45% chiếm tỷ trọng 33%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 0,25% chiếm tỷ trọng 67%.

(Nguồn: SBV, H.L tổng hợp). 

Trước đó, NHNN đã không ít lần khẳng định về việc nhà điều hành không có văn bản hay phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. Cơ quan này chỉ có các văn bản chỉ đạo nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro, có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống. Còn về phía các doanh nghiệp địa ốc, thiếu vốn vẫn đang là một khó khăn lớn mà họ phải đối mặt.

Trong bối cảnh trên, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản đề nghị NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay vốn để tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.

Theo đó, khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành và ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.

Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét sửa đổi điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16 cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành theo hai phương án (một là bãi bỏ, hai là ngưng thi hành trong thời hạn kể từ ngày Thông tư mới có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024, tương tự như thể thức quy định của Nghị định 08).

“Hiệp hội nhận thấy, nếu có cơ chế, chính sách nói trên thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08 sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các trái chủ”, HoREA nêu quan điểm.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới ký văn bản số 178 về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản theo tinh thần của Nghị quyết số 33.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ.

Thủ tướng cũng yêu cầu nhà điều hành xem xét chỉ đạo theo thẩm quyền các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nợ,…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Hà Lê