|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cho vay bất động sản tiếp tục tăng mạnh tại nhiều ngân hàng

11:00 | 06/04/2021
Chia sẻ
Năm 2020, dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản từ các ngân hàng tiếp tục tăng, thậm chí tăng mạnh tại một số ngân hàng như Techcombank, TPBank,...

Bất động sản (BĐS) vốn vẫn được xếp vào nhóm lĩnh vực cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro với các ngân hàng, luôn nằm trong nhóm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cho vay. Tuy nhiên, dòng vốn đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trong năm qua.

Cho vay bất động sản nhiều ngân hàng tăng mạnh

Theo thống kê từ 11 ngân hàng, dư nợ kinh doanh bất động sản và cho vay mua nhà (gọi chung là cho vay bất động sản) tăng 24,6% so với năm trước, trong đó, 7 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ có 5 ngân hàng có tỷ trọng cho vay mảng này tăng.

Tỷ trọng dư nợ cho vay với lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ 2 - 7%. Tuy nhiên vẫn có một số ngân hàng đang có tỷ trọng dư nợ trong lĩnh vực này ở mức hai chữ số như Techcombank, Eximbank, VPBank hay MSB.

Tính đến 31/12/2020, quy mô cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Techcombank tăng tới 82% so với thời điểm đầu năm, lên mức 91.361 tỷ đồng.

Với tốc độ cho vay "chóng mặt", tỷ lệ dư nợ lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ cho vay của Techcombank tăng vọt từ 21,85% lên 32,92%, cao nhất trong các ngân hàng được thống kê.

Đây cũng không phải một điều quá bất ngờ khi tại ĐHĐCĐ năm ngoái, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết rằng bất động sản là lĩnh vực mà Techcombank ưu tiên, ngân hàng có lợi thế, thị trường phát triển nhanh và có thể kiểm soát rủi ro.

Tệp khách hàng của Techcombank bao gồm những "ông lớn" trong ngành bất động sản như Vingroup, Sungroup...

Một trong những ngân hàng có quy mô cho vay bất động sản lớn là VPBank với 73.258 tỷ đồng. Trong năm qua, dư nợ cho vay của VPBank tăng gần 33.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12,8%) thì có tới hơn 21.000 tỷ đồng tăng thêm là dư nợ cho vay bất động sản.

Qua đó nâng tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ cho vay từ mức 20,11% hồi đầu năm lên mức 25,2%. Trong đó, quy mô cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản là hơn 36.924 tỷ đồng (tăng 54%), cho vay các nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở là gần 36.335 tỷ đồng (tăng 33%).

Tuy nhiên, xét về mức tăng trưởng, TPBank lại vượt cả con số khủng của Techcombank khi dư nợ kinh doanh bất động sản của ngân hàng tăng hơn 92% trong năm 2020, mặc dù quy mô khiêm tốn với 8.112 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực này trên tổng dư nợ của TPBank tăng từ 4,41% lên 6,76%.

Dòng vốn tín dụng bất động sản đang ra sao? - Ảnh 2.

Ảnh: Lê Huy tổng hợp.

Trong khi đó, một số nhà băng đang giảm dần tỷ lệ cho vay vào lĩnh vực nhiều rủi ro này. Như tại SHB, mặc dù quy mô dư nợ lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tăng 6% so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (15%) của ngân hàng. Do đó, tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản đã giảm từ 8,41% xuống 7,74%.

Hay tại MSB, từng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản cao nhất toàn ngành tại thời điểm đầu năm 2020 (23,65%), thì đến cuối năm, con số này đã giảm xuống 11,36%. Quy mô dư nợ giảm hơn 6.000 tỷ đồng xuống 9.020 tỷ đồng.

Tăng trưởng cho vay bất động sản vượt tín dụng chung

Theo đánh giá của NHNN, tăng trưởng tín dụng bất động sản vẫn được kiểm soát thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trong những năm gần đây.

Cụ thể, năm 2019 tín dụng chung tăng 13,5% và tín dụng bất động sản tăng 8,8%. Năm 2020, tín dụng chung tăng 12,13% và tín dụng bất động sản tăng xấp xỉ 10%.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, hai chỉ tiêu tăng trưởng đã có sự đảo chiều. Tính đến ngày 15/3/2021, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản đã tăng 2,13%, cao hơn mức 2,04% tăng trưởng tín dụng chung. Mức tăng là không đồng nhất giữa các ngân hàng.

"Hiện nay mức tăng 2,13% này cũng không phải ở tất cả các tổ chức tín dụng mà chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

Những con số trên mới chỉ phản ảnh phần nổi của dòng vốn tín dụng bất động sản. Nhiều ý kiến cho rằng, một phần không nhỏ dư nợ cho vay bất động sản ở các ngân hàng hiện đang ẩn dưới các hình thức cho vay khác. Do đó, tỷ lệ cho vay bất động sản có thể còn cao hơn nhiều so với mức mà các nhà băng công bố.

Trong một sự kiện gần đây, TS. Cấn Văn Lực cho biết dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng, chiếm hơn một nửa.

Trên thực tế, cũng tại ĐHĐCĐ năm ngoái, ông Hồ Hùng Anh cho hay các khoản cho vay liên quan bất động sản quý I/2020 chiếm tới hơn 70% dư nợ của Techcombank.

Bên cạnh tín dụng thông qua cho vay, các ngân hàng còn một kênh rót vốn cho lĩnh vực bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp.

Năm 2020 đã ghi nhận sự bùng nổ của thị trường này. Theo số liệu công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tổng giá trị phát hành thành công trong năm qua đạt hơn 403.000 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2019.

Trong đó, trái phiếu bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (40,1%) trong tổng phát hành toàn thị trường dù Nghị định 81 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có đã có hiệu lực.

NHNN nói gì về cho vay bất động sản?

Cho vay bất động sản tiếp tục tăng mạnh tại nhiều ngân hàng - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú. (Ảnh: VGP).

Trong cuộc họp báo chính phủ tháng 3, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết lĩnh vực tín dụng bất động sản là một trong lĩnh vực ngành ngân hàng quản lý rất sát sao, chặt chẽ. 

Bởi câu chuyện dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác là một trong những nội dung được quan tâm sâu sát trong điều hành của NHNN và thường xuyên kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu bất ổn định.

Theo ông Tú, tín dụng đối với bất động sản có hai lĩnh vực. Thứ nhất là tín dụng vào các lĩnh vực mà các đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao. 

“Đây là những đối tượng được NHNN kiểm soát chặt chẽ và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng”, ông Tú cho biết. 

Còn lĩnh vực tín dụng giúp thanh khoản các loại sản phẩm, hàng hóa bất động sản, nhà ở giá rẻ, phục vụ mục đích tiêu dùng cho người dân... vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại quan tâm và triển khai.

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), tính đến hết tháng 10/2020, nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, cao hơn tỷ lệ nợ xấu 2,25% của tổng dư nợ tín dụng.

"Tuy mức nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nhưng có tiềm ẩn rủi ro khi đáo hạn khoản vay, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân", HoREA cảnh báo.

Lê Huy