|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng tín dụng tính tới 19/3 đạt 1,47%, 135.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường

09:49 | 29/03/2021
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, việc kiểm soát được dịch COVID-19 đã đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến thời điểm 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%).

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,47%, cao hơn con số cùng kỳ năm trước (0,68%) nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch vào cùng kỳ năm 2019 là 1,9%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%).

Ước tính với mức dư nợ khoảng 9,189 triệu tỷ đồng của nền kinh tế vào cuối năm 2020, đã có thêm khoảng 135.000 tỷ đồng được bơm thêm ra thị trường.

GSO nhận định việc kiểm soát được dịch COVID-19 đã đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 là khoảng 12%, gần tương đương với kết quả tăng trưởng tín dụng của năm 2020 là 12,13%. Đây là con số định hướng trong điều hành, NHNN sẽ có điều chỉnh khi cần thiết.

Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ của Ngành năm 2021, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2021. Năm tới, NHNN tiếp tục kiên định quan điểm của Chính phủ là chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tỷ giá ổn định. 

Ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Theo kịch bản thứ nhất, tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 12 - 14% nếu đại dịch được kiểm soát và tiêm phòng vắc xin trên diện rộng.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng tín dụng có thể là 10 - 12% nếu đại dịch kéo dài đến tháng 6 năm 2021, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì và tiến độ tiêm chủng chậm hơn dự kiến.

Một kịch bản tiêu cực hơn giả định đại dịch kéo dài đến cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng có thể thấp hơn ở mức 7 - 8%.

Trước đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng ngành ngân hàng sẽ có một năm tăng trưởng mạnh nhờ mở rộng quy mô nhờ nền kinh tế phục hồi. BSC dự báo tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng đạt mức 14% trong năm 2021. 

Con số được đưa ra dựa trên cơ sở dự báo nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh, mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh đầu tư công kích thích giải ngân cho vay vào các dự án về xây dựng cầu đường.

Diệp Bình

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.