|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chịu nhiều sức ép, Facebook cân nhắc điều chỉnh dự án tiền ảo Libra

07:13 | 07/03/2020
Chia sẻ
Vấp phải làn sóng phản đối từ các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương trên toàn cầu, Facebook đang cân nhắc điều chỉnh dự án điều ...
Chịu nhiều sức ép, Facebook cân nhắc điều chỉnh dự án tiền ảo Libra - Ảnh 1.

Facebook đang cân nhắc điều chỉnh dự án tiền ảo Libra. Ảnh: Twistarticle.com

Mở rộng hỗ trợ thanh toán cho các đồng tiền ảo khác

Hãng tin Bloomberg hôm 4-3 cho hay Facebook và các đối tác trong Hiệp hội Libra đã gác bỏ ý định biến đồng tiền ảo Libra trở thành trung tâm của chiến lược thanh toán số của tập đoàn này. 

Thay vào đó, mạng lưới thanh toán dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) của dự án Libra sẽ hỗ trợ lưu trữ và thanh toán đối với cả các phiên bản số hóa của các đồng tiền chủ quyền do các ngân hàng trung ương phát hành bên cạnh tiền ảo Libra.

Theo trang The Information, Facebook cũng trì hoãn ra mắt ví tiền kỹ thuật số Calibra. Ban đầu, Facebook định ra mắt ví tiền kỹ thuật số Calibra vào mùa hè này. Nhưng giờ đây, Facebook dời ngày ra mắt vào tháng 10 tới.

Dự án Libra được Facebook thông báo lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái là một tham vọng táo bạo nhưng đầy rủi ro nhằm tạo ra cuộc cách mạng trong hoạt động chuyển tiền.

 Đồng thời đặt Facebook và các đối tác vào vị trí trung tâm của ngành công nghiệp thanh toán số hóa dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Dự án này gồm hai phần: tiền ảo Libra, được thiết kế giống các đồng tiền ảo khác như Bitcoin nhưng được bảo chứng bởi một rổ ngoại tệ mạnh để giúp nó ổn định hơn và ít mang tính đầu cơ hơn. 

Phần còn lại là một mạng lưới blockchain được sử dụng để làm nền tảng kỹ thuật cho tiền ảo Libra và đóng vai trò như công cụ để xác minh các giao dịch và quyền sở hữu tiền ảo Libra.

Khi công bố dự án Libra, Facebook bày tỏ tham vọng xây dựng một đồng tiền ảo sử dụng trên toàn cầu duy nhất. Theo đó, bất kỳ ai, đặc biệt là 1,7 triệu người chưa có tài khoản ngân hàng trên thế giới, có thể sử dụng tiền ảo Libra để gửi tiền đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới với phí gửi tiền rất thấp.

Facebook đã lường trước dự án này sẽ vấp phải sự giám sát của các cơ quan quản lý vì vậy tập đoàn này đã tao ra một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi Hiệp hội Libra. 

Tổ chức này đặt trụ sở tại Genava, Thụy Sĩ với danh sách thành viên bao gồm Facebook và ví tiền ảo Calibra, cùng hơn 20 công ty khác bao những cái tên đáng chú ý như Mastercard, PayPal, Visa. 

Hiệp hội Libra được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động phát triển tiền ảo Libra cũng như mạng lưới blockchain hỗ trợ nó.

9 tháng sau đó, khi dự án trên vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ, Facebook và Hiệp hội Libra đã tìm cách điều nó, theo ba nguồn tin của Bloomberg.

Họ cho biết Facebook đang thiết kế lại dự án Libra như là một mạng lưới thanh toán có thể hỗ trợ nhiều đồng tiền ảo khác. Trong đó, bao gồm tiền ảo do các ngân hàng trung ương phát hành và được bảo chứng bởi đồng đô la, euro hay các đồng tiền chủ quyền khác.

Tuy nhiên, nếu dự án Libra trở nên giống một mạng lưới thanh toán hơn là một đồng tiền ảo phổ cập duy nhất toàn cầu. Nó chẳng khác biệt nhiều với các hệ thống thanh toán hiện tại đang được Công ty PayPal Holdings và nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính khác đang vận hành.

Ông Dante Disparte, Giám đốc chính sách và truyền thông của Hiệp hội Libra, ra tuyên bố khẳng định: “Hiệp hội Libra không thay đổi mục tiêu xây dựng một mạng lưới thanh toán toàn cầu tuân thủ các quy định quản lý và các nguyên tắc thiết kế cơ bản để hỗ trợ mục tiêu đó cũng không thay đổi”.

Vẫn còn đối mặt nhiều thách thức

Kể từ khi Facebook công bố dự án tiền ảo Libra vào năm ngoái, nhiều nghị sĩ Mỹ và các cơ quản quản lý trên toàn cầu và ngay cả các đối tác của Facebook trong Hiệp hội Libra bày tỏ lo ngại về các rủi ro liên quan.

Theo tầm nhìn đặt ra ban đầu của Hiệp hội Libra, tiền ảo Libra sẽ được phát triển và được bảo chứng bởi một rổ tài sản ổn định gồm đồng đô la Mỹ, trái phiếu chính phủ Mỹ, đồng euro, đồng bảng Anh, đồng yen Nhật, đồng đô la Singapore được đóng góp bởi các thành viên của Hiệp hội Libra.

Quỹ Dự trữ Libra sẽ bao gồm các đồng tiền này và các công cụ nợ được sử dụng để hỗ trợ tiền ảo Libra. Theo đó, giá trị của tiền ảo Libra sẽ được điều chỉnh theo biến động giá thị trường của rổ tài sản này.

Chịu nhiều sức ép, Facebook cân nhắc điều chỉnh dự án tiền ảo Libra - Ảnh 2.

Ba đại gia thanh toán Visa, Mastercard và Paypal đã tyên bố rút khỏi Hiệp hội Libra. Ảnh: Bitcoin Exchange Guide

Nhưng kế hoạch của Facebook ngay lập tức bị phản đối mạnh mẽ. Các nghị sĩ Mỹ nói rằng họ không tin Facebook đủ năng lực quản lý một hệ thống tài chính khổng lồ sau khi công ty này liên tiếp vướng vào các vụ bê bối. 

Đặc biệt là cáo buộc làm rò rỉ dữ liệu người dùng khiến Facebook phải nhận án phát 5 tỉ đô la Mỹ từ Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ.

Các quan chức ở một số ngân hàng trung ương cho rằng tiền ảo Libra có thể đe dọa tính chủ quyền đồng tiền pháp định của họ.

 Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính lo đồng tiền ảo này sẽ tiếp tay cho nạn rửa tiền của bọn tội phạm vì được giao dịch không thông qua hệ thống ngân hàng. Một số cơ quan quản lý ở châu Âu tuyên bố sẽ không bao giờ phê duyệt dự án tiền ảo Libra.

Khi Hiệp hội Libra chuẩn bị thông qua hiến chương chính thức vào tháng 10 năm ngoái, nhiều thành viên bao gồm các đại gia thanh toán như Paypal, Visa và Mastercard, Stripe “đào ngũ” vì lo sợ đối mặt với các biện pháp giám sát và xử phạt gắt gao hơn của các cơ quan quản lý.

Đến nay, hiệp hội này chỉ còn 20 thành viên so với 28 thành viên ban đầu. Bất chấp một số thành viên quan trọng rút lui, các đại diện của Facebook và Hiệp hội Libra tiếp tục gặp gỡ các quan chức Bộ Tài chính Mỹ, Ủy ban Sàn giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) và các cơ quan quản lý khác ở Mỹ để tìm cách tháo gỡ mối lo ngại của họ.

Các quan chức Bộ Tài chính yêu cầu Facebook phải chứng minh rằng mạng lưới thanh toán của dự án Libra không bị kẻ xấu lạm dụng cho mục đích rửa tiền.

Một số thành viên của Hiệp hội Libra lo ngại SEC có thể xem tiền ảo Libra như là một loại chứng khoán, tức có thể được giao dịch giống như một cổ phiếu hay trái phiếu. 

Nếu như vậy, tiền ảo Libra phải tuân thủ một loạt yêu cầu công bố thông tin và các quy định hạn chế mà SEC đặt ra đối với việc chào bán chứng khoán, có thể làm suy yếu tính khả dụng của Libra.

Các quan chức ở các ngân hàng trung ương cũng nói rằng nếu Hiệp hội Libra phát hành đồng tiền ảo Libra được bảo chứng bởi một rổ tiền tệ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng quản lý các đồng tiền chủ quyền của họ.

Kể từ khi Facebook thông báo dự án Libra, một số ngân hàng trung ương Anh (BoE) và châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ thăm dò khả năng phát hành tiền ảo của riêng họ.

Các nguồn tin cho biết ý định điều chỉnh dự án Libra của Facebook là nhằm bảo đảm mạng lưới thanh toán mới sẽ tương thích với các dự án tiền ảo của các ngân hàng trung ương thay vì cạnh tranh với chúng.

Tuy vậy, Libra vẫn đối mặt với các thách thức khác. Các nguồn tin cho biết các quan chức Quốc hội Mỹ có thể xem dự án Libra mang tính quan trọng trong hệ thống tài chính.

Nếu như vậy, Libra có thể chịu thêm một lớp quản lý nữa của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Điều này có nghĩa là tiền ảo Libra phải tuân thủ các quy định về vốn cổ phần và kiểm định sức chịu đựng rủi ro (stress testing).

Khánh Lan