|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

16:35 | 12/03/2019
Chia sẻ
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, chiều ngày 12/3 đã diễn ra Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Tham dự và phát biểu tại buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và các vị khách quốc tế...

Chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia - Ảnh 1.

Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia (Nguồn: Quang Hiếu - Báo điện tử Chính phủ)

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số".

Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Quyết định về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy; trong đó, lần đầu tiên vai trò của Trục liên thông văn bản quốc gia được định nghĩa chính thức, cùng với các nguyên tắc, yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử được quy định đầy đủ.

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử".

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia cùng với các điều kiện đi kèm như thể chế, hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực vận hành đã bước đầu hoàn thành và thử nghiệm thuận lợi.

95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Đồng thời, theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trung liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo WB…) sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các vị khách quốc tế... đã thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Trước đó, ngày 18/1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Theo kế hoạch khi đó, Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước sẽ được khai trương vào ngày 20/2/2019. 

Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 06/9/2018. Đối tượng áp dụng là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Theo Quyết định, việc gửi, nhận văn bản điện tử phải thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử và tuân theo các quy định khác của pháp luật. Việc kết nối giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương với Trục liên thông văn bản quốc gia phải được mã hóa, xác thực theo tiêu chuẩn về an toàn thông tin tại Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thu Hà