Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch được giao
Ngày 18/6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ triển khai thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…
Một phần quan trọng của kế hoạch là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn ODA theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong tháng 7, Bộ phải trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 20 và Nghị định số 114 về quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến phê duyệt, triển khai thực hiện các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ và cơ quan liên quan để xây dựng, hoàn thiện hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định pháp lý về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Song song với đó, nghiên cứu, đề xuất các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV.
Để nghiên cứu đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường lập phương án tổng thể nhu cầu về vật liệu san lấp cho các dự án, phương án đảm bảo và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án theo tiến độ cụ thể, qua đó đánh giá kỹ lưỡng khả năng cung ứng của cát sông.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, Bộ Công thương cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc. Trong đó, quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trong tháng 6 năm nay.
Để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, hợp tác về khoa học công nghệ, huy động các nguồn lực bên ngoài, tăng cường vận động, thu hút FDI, ODA thế hệ mới, tài chính xanh.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước cho đầu tư phát triển.
Các Bộ, cơ quan, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc, hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, góp phần mở rộng, khai thác các không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics.
Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt gần 21% kế hoạch
Theo Báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4 là 110.460,7 tỷ đồng, đạt 15,63% tổng kế hoạch, đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5 là 148.284,8 tỷ đồng, đạt 20,99% tổng kế hoạch, đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trước đó, cùng kỳ của năm 2023, tình hình giải ngân đạt 20,8% tổng kế hoạch và đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Báo cáo chỉ ra 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 31/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Trong đó, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Bộ Xây dựng (41,44%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (41,53%), Ngân hàng Chính sách xã hội (37,78%), Tiền Giang (47,8%), Phú Thọ (41,95%), Tuyên Quang (39,34%), Hòa Bình (35,6%).
Bên cạnh đó, vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (trong đó 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân) và 27 địa phương giải ngân dưới 20%.