Chính phủ Nhật Bản ủng hộ tuần làm việc 4 ngày nhưng vì sao người dân không mấy mặn mà?
Làm nhiều chưa chắc hiệu quả
Nhật Bản đang hối thúc doanh nghiệp áp dụng chế độ làm việc 4 ngày mỗi tuần, tuy nhiên những nỗ lực đó vấp phải thách thức lớn trong một đất nước nổi tiếng với văn hóa “nghiện” công việc.
Gần đây, chính phủ Nhật Bản đã khởi xướng chiến dịch “cải cách phong cách làm việc” nhằm thúc đẩy chế độ làm việc linh hoạt, cắt giảm giờ làm và giới hạn việc làm thêm giờ. Để xúc tiến chương trình này, Bộ Lao động Nhật Bản cũng bắt đầu triển khai các khoản trợ cấp và dịch vụ tư vấn miễn phí.
Lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản đưa ra ý tưởng này là vào năm 2021. Tuy nhiên, chính phủ chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc doanh nghiệp thực hiện thay đổi và chương trình mới cho đến nay vẫn chưa đạt nhiều thành tựu đáng chú ý.
Ông Tim Craig, người đã dành hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu tại các trường kinh doanh hàng đầu Nhật Bản, giải thích: "Lý do người Nhật Bản làm việc nhiều giờ là do văn hóa và xã hội, những điều đó không thể thay đổi nhanh chóng".
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp ở nước này cho phép nhân viên nghỉ ba ngày trở lên mỗi tuần.
Ông Craig cho biết lý do người Nhật đề cao công việc bởi họ coi đó là một phần tích cực của cuộc sống, nhưng áp lực xã hội cũng đóng vai trò nhất định.
Ông nói rõ hơn: “Nếu một nhân viên tan làm sớm thì đồng nghiệp sẽ nhìn họ với ánh mắt dò xét và phải làm bớt phần việc của người đó. Dù sao thì đó cũng không phải cảm giác dễ chịu”.
Nhà kinh tế Martin Schulz của Viện Fujitsu nhận thấy chốn công sở cũng là nơi người Nhật Bản có nhiều tương tác xã hội nhất, các nhân viên thường sẵn sàng ở lại muộn hơn để giúp đỡ đồng nghiệp và tham gia các bữa tiệc tối dài của công ty.
Vị chuyên gia nói với CNBC: “Đối với người Nhật Bản, hòa nhập với công ty cũng gần như hòa nhập với cộng đồng".
Tháng 10 năm ngoái, Bộ y tế Nhật Bản đã công bố báo cáo hàng năm về vấn đề giờ làm việc quá dài của người lao động và mối liên hệ với chứng trầm cảm và hiện tượng karoshi - tử vong do làm việc quá sức. Trong năm 2022, có đến 2.968 người Nhật Bản tự tử vì karoshi, cao hơn đáng kể con số 1.935 trường hợp ghi nhận vào năm 2021.
Báo cáo năm 2022 cũng nhấn mạnh khoảng 10,1% đàn ông và 4,2% phụ nữ Nhật Bản làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần và chỉ ra mối liên kết giữa tình trạng này với các trường hợp karoshi.
Ảnh hưởng tích cực
Ông Hiroshi Ono, Giáo sư về nguồn nhân lực tại Đại học Hitotsubashi, bình luận: “Tôi nghĩ phải mất một khoảng thời gian thì chế độ làm việc 4 ngày/tuần mới được áp dụng rộng rãi”.
Vị giáo sư nhận thấy các công ty cho nhân viên làm việc 4 ngày mỗi tuần thường không phải là doanh nghiệp truyền thống của Nhật Bản, ví dụ như Microsoft Japan. Ông nói tiếp: “Do đó, đối với những công ty truyền thống của Nhật Bản, ý tưởng này sẽ càng tốn nhiều thời gian để được chấp nhận hơn”.
Panasonic, một trong những công ty lớn nhất Nhật Bản, cung cấp lựa chọn làm việc 4 ngày trong tuần cho nhân viên vào năm 2022, nhưng chỉ 150 trên 63.000 người đủ điều kiện chọn tham gia chương trình này.
Công ty chứng khoán SMBC cũng cho phép nhân viên làm việc 4 ngày/tuần kể từ năm 2020. Nhưng SMBC giới hạn chương trình này cho những người lao động từ 40 tuổi trở lên để chăm sóc gia đình hoặc "tự phát triển sự nghiệp". Và chỉ những người đã làm ở đây 4 năm mới được tham gia.
Tuy tỷ lệ áp dụng khá thấp, nỗ lực của chính phủ Nhật Bản vẫn tạo ra được tác nhất định. Ông Schulz nói chính phủ Nhật Bản đang hối thúc doanh nghiệp cải thiện tính cân bằng trong cuộc sống và cân việc, ví dụ như cấm nhân viên làm thêm giờ vô thời hạn.
Các chuyên gia cũng lưu ý với CNBC rằng karoshi không phải hiện tượng chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Năm 2019, hơn 770 người lao động ở Thụy Điển được báo cáo đã tử vong do căng thẳng công việc. Giáo sư Ono lưu ý: “Điều duy nhất chỉ có ở Nhật Bản là bộ ngành chính phủ thực sự thu thập dữ liệu về karoshi”.