|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chính phủ Mỹ chào mời Startup bằng 'visa khởi nghiệp'

14:27 | 29/08/2016
Chia sẻ
Chính quyền tổng thống Obama vừa công bố một điều luật mới khiến các doanh nhân trên khắp thế giới có thể dễ dàng hơn trong việc mở một công ty khởi nghiệp (startup) tại Mỹ.
chinh phu my chao moi startup bang visa khoi nghiep
Chính phủ Mỹ chào mời Startup bằng 'visa khởi nghiệp'

Cuối tuần trước, Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã chính thức công bố The White House’s International Entrepreneur Rule (Luật doanh nhân quốc tế của Nhà Trắng).

Theo đó, chính phủ Mỹ sẽ cấp visa tạm thời (thời hạn từ 2 - 5 năm) cho các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đến từ những quốc gia khác bên ngoài Mỹ nếu công ty của họ đáp ứng được những yêu cầu nhất định như huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.

Để đáp ứng đủ điều kiện để được cấp loại “visa startup” này, các doanh nhân phải sở hữu 15% một doanh nghiệp đã thành lập trong khoảng 3 năm trước đó tại Mỹ, chứng minh được tiềm năng tăng trưởng của công ty (mức tăng trưởng doanh thu phải đạt 20% mỗi năm), các khoản đầu tư từ những nhà đầu tư Mỹ chất lượng (phải nhận được khoản đầu tư trị giá ít nhất 345.000 USD) và những lợi ích cho cộng đồng có thể mang lại như: Tăng vốn đầu tư, tạo việc làm (tạo ra ít nhất 10 công việc toàn thời gian trong 5 năm).

Phó Giám đốc công nghệ và đổi mới Nhà Trắng là Tom Kalil và Doug Rand - trợ lý Giám đốc tại Phòng chính sách công nghệ và khoa học Nhà Trắng đã trình bày những lợi ích kinh tế mà điều luật mới này mang lại như sau:

“Tạo ra loại ‘visa startup’ dành cho các doanh nhân quốc tế là nỗ lực cải cách chính sách nhập cư của Tổng thống Obama và là một phần của dự luật di trú được 2 đảng thông qua tại Thượng viện vào năm 2013. Dù sẽ không có bộ luật thay thế nào nhưng Chính phủ đang nỗ lực hết mức có thể để sửa đổi những sai sót trong hệ thống luật nhập cư. Những cải cách được tổng thống công bố vào tháng 11/2014 nếu được thực hiện đầy đủ có thể thúc đầy sản lượng đầu ra của cả nước lên 250 tỷ USD trong khi giảm mức thâm hụt liên bang tới 65 tỷ USD trong 10 năm tới”.

Từ trước tới nay, nhập cư vốn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng công nghệ và cả quốc gia nói chung. Rất nhiều doanh nhân phàn nàn về chính sách nhập cư ngăn cản việc doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh với các quốc gia khác và gây trở ngại cho đổi mới.

Đây chính là động lực cho sự ra đời của New American Economy vào hồi đầu tháng này. Đây là sáng kiến được đưa ra nhằm thúc đẩy vấn đề cải cách nhập cư, nhận được sự ủng hộ của hàng trăm chính trị gia và doanh nhân bao gồm cả Matt Oppenheimer - CEO của công ty Remitly.

Hiện tại, những gã khổng lồ công nghệ tại Seattle như Microsoft hay Amazon phụ thuộc rất nhiều vào chính sách visa H1-B để có thể sử dụng nhân tài từ những quốc gia khác, đưa họ tới Mỹ làm việc. Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng cho những người nhập cư vào Mỹ để làm việc cho những công ty đã tồn tại.

Trong khi đó, điều luật mới sẽ cho phép những doanh nhân quốc tế nhập cư vào Mỹ để mở công ty của chính họ. Và thay đổi này nhận được sự ủng hộ rất lớn từ nhiều công ty công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp.

“Tuyên bố này là tin đáng mừng đối với hệ sinh thái doanh nhân và chúng tôi hoan nghênh chính quyền ông Obama đã quan tâm giải quyết vấn đề này. Cải cách nhập cư lâu nay luôn là trọng tâm của Hiệp hội vốn đầu tư mạo hiểm quốc gia Mỹ (NVCA) và chúng tôi vui mừng khi thấy những lo ngại lâu nay được hoá giải bằng đề xuất lần này”, theo Bobby Franklin - Chủ tịch và CEO của NVCA.

“NVCA sẽ tiếp tục ủng hộ tất cả những biện pháp nhằm giúp các doanh nhân nước ngoài có thể dễ dàng tới Mỹ khởi nghiệp kinh doanh và xây dựng nên những doanh nghiệp thành công. Chúng tôi hy vọng có thể xem xét điều luật sâu hơn nữa, cân nhắc từng chi tiết và làm việc với chính quyền vào tuần tới để đưa ra một sản phẩm hoàn chỉnh khiến điều luật này đáp ứng tốt nhất mục tiêu thu hút những doanh nhân giỏi nhất, tốt nhất từ khắp nơi tới Mỹ”.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là hình mẫu đang được Triều Tiên áp dụng và làm theo

Theo Vân Đàm

Trí Thức Trẻ