Chính phủ dự kiến giảm 12 tổng cục, 500 cục
Ngày 17/12, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết ngoài các cơ quan trực thuộc Chính phủ, tổng cục và cục cũng dự kiến giảm 177 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và tương đương; 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và cơ quan trong bộ.
Bộ Nội vụ đang hoàn tất toàn bộ báo cáo đề án liên quan để tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị vào ngày 25/12. Bộ cũng có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương về sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến sắp xếp bộ máy. Thời gian tới, Bộ sẽ hướng dẫn sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện để địa phương chủ động.
Đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo nghị định chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp bộ máy; sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới. Trong đó, nguyên tắc là "làm một cuộc cách mạng thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng, đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, đảm bảo hợp lý giữa các nhóm".
Mục tiêu là nhằm ổn định cuộc sống, quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết Bộ sẽ đề xuất các chính sách đặc biệt, nổi trội để khuyến khích những người nghỉ ngay, nghỉ trong 12 tháng từ khi sắp xếp. Ngoài ra, chính sách cũng gắn với sàng lọc, lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ và tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ.
"Cần giữ chân cán bộ tốt, có năng lực, phẩm chất để không chảy máu chất xám", bà nói, cho biết dự kiến đến cuối tháng 12, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công.
Theo Bộ trưởng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy còn là cách mạng giải phóng về tư tưởng để tất cả cùng thay đổi cho một tương lai tốt đẹp của đất nước. Tuy vậy, đây là công việc nhiều khó khăn, nhạy cảm, cần có bản lĩnh, đoàn kết thống nhất, sự dấn thân và hy sinh, vì "hy sinh cũng là cống hiến".
Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12, dự kiến 14 bộ, cơ quan ngang bộ được sắp xếp và hợp nhất. Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao nhiệm vụ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, đảm bảo tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.
Mỗi bộ duy trì một đầu mối tổ chức tương ứng với lĩnh vực tổ chức cán bộ, pháp chế, hợp tác quốc tế, văn phòng, kế hoạch tài chính, thanh tra. Các bộ rà soát cục, vụ theo hướng tinh gọn, chỉ duy trì các cục, vụ có đối tượng quản lý chuyên ngành. Các cục, vụ liên thông gắn kết, cần kiện toàn thành một đầu mối.
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, trước mắt số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị mới hình thành sau khi sắp xếp có thể nhiều hơn quy định, nhưng phải giảm trong 5 năm. Biên chế các cơ quan mới không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức đang có mặt trước khi sáp nhập, nhưng phải giảm biên chế trong 5 năm với người không đáp ứng yêu cầu, thiếu tinh thần trách nhiệm.