|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ đặt mục tiêu trần nợ công không quá 60% trong 5 năm tới

15:56 | 14/07/2021
Chia sẻ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất trần nợ công trong 5 năm tới không quá 60% GDP, mức chi ngân sách là 10,26 triệu tỷ đồng.

Tại phiên họp ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính - ngân sách, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chủ Chính phủ.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất mức thu trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 1,2 lần giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 16%, trong đó từ thuế phí khoảng 13,4%.

Mức chi ngân sách trong 5 năm tới là 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 2,87 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trong 28%, trong tổ chức thực hiện thì phấn đấu đạt 29%, chi thường xuyên khoảng 6,4 triệu tỷ đồng, phấn đấu vào khoảng 60%.

Về tỷ lệ bội chi, bình quân là 3,7% GDP, trần nợ công không quá 60%, thấp hơn so với giai đoạn 2016 - 2020 (65% GDP). Đồng thời, nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách bình quân không quá 25%.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến tổng mức vốn của giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, dự kiến bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (50.000 tỷ đồng), xây dựng nông thôn mới (30.000 tỷ đồng) và giảm nghèo, an sinh xã hội (20.000 tỷ đồng).

Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 183,253 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, Chính phủ dành 65,795 nghìn tỷ đồng cho các dự án: giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc-Nam tuyến phía Đông giai đoạn 1 và dự án hồ chứa nước Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Đối với các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ được Chính phủ đầu tư khoảng 38.000 tỷ đồng. Số vốn còn lại khoảng 78,79 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác.

Về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia phải đẩy mạnh hơn nữa vì “không chuẩn bị tốt, không có danh mục thì có tiền cũng không giao vốn được”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm có những nhiệm vụ chi của địa phương nhưng Trung ương vẫn phải lo, như chi giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc. 

Về tỷ lệ điều tiết, Chủ tịch Quốc hội nhất trí sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 cùng với kế hoạch năm 2022, giai đoạn 2022-2025, nhưng lưu ý cần bám sát Luật Ngân sách Nhà nước.

Phương Trang