Chính phủ có nên bảo lãnh doanh thu dự án đối tác công - tư?
Đề nghị bảo lãnh tối thiểu 75% doanh thu
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là xu hướng tất yếu nhưng việc thu hút vốn ngày càng khó khăn. Tiêu biểu ở lĩnh vực giao thông, 3 năm trở lại đây, gần như không có dự án nào được triển khai xây dựng mới theo hình thức PPP do nhà đầu tư lo thiếu hụt doanh thu tại các dự án BOT đã và đang khai thác.
Trong hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tổ chức cuối tuần trước, vấn đề cơ chế bảo lãnh của Chính phủ về tỷ giá, doanh thu tiếp tục được nhà đầu tư gửi câu hỏi đến cơ quan chuyên trách.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam, chủ đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, lý do khiến việc nhượng quyền thu phí dự án này thất bại vì đối tác nước ngoài yêu cầu phải có bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh ngoại tệ do quy định gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Với việc công bố dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, Bộ KH&ĐT cho rằng, bối cảnh thị trường PPP đang phát triển trong giai đoạn đầu như nước ta hiện nay, cần áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho một số dự án PPP đủ điều kiện.
“Điều 80 Dự thảo Luật Đầu tư quy định, đối tượng được bảo lãnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định căn cứ vào tính chất và yêu cầu thực hiện dự án. Trong 5 năm đầu vận hành công trình dự án, nhà nước bảo lãnh doanh thu tối thiểu tới 75% doanh thu được dự kiến trong hợp đồng dự án và 65% trong 5 năm kế tiếp. Nguồn bảo lãnh từ Quỹ phát triển dự án PPP (nếu được thành lập) hoặc nguồn dự phòng (hoặc khoản chưa phân bổ) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu trong tờ trình gửi Chính phủ.
Với trường hợp ngược lại, doanh thu vượt quá 125% trong 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động và 135% trong 5 năm kế tiếp sẽ được thanh toán cho nhà nước.
Về đề xuất áp dụng bảo lãnh ngoại tệ cho các dự án PPP ở nước ta, Bộ KH&ĐT đánh giá chưa phù hợp quy định tại Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và do thực tiễn dự trữ ngoại hối. Bộ KH&ĐT kiến nghị tiếp tục áp dụng quy định hiện nay. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng nhu cầu giao dịch.
Gia tăng gánh nặng ngân sách
Để thu hút nhà đầu tư rót vốn vào dự án PPP, một số quốc gia đã thực hiện bảo lãnh doanh thu tối thiểu như Hàn Quốc, Malaysia, Mêhico, Canada, Colombia, Nam Phi… Hình thức bảo lãnh này được thực hiện trong giai đoạn đầu phát triển thị trường PPP nhằm gia tăng tính hấp dẫn của dự án đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi áp dụng tại các nước, bảo lãnh doanh thu tối thiểu cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo Bộ KH&ĐT, khi bảo lãnh doanh thu, có thể xảy ra trường hợp nhà đầu tư đưa ra tổng mức đầu tư quá cao so với chi phí thật. Từ đó, nhà đầu tư yêu cầu doanh thu ở mức cao tương ứng. Nhưng khi làm thực tế, không đạt được mức doanh thu này thì đề xuất Chính phủ thực hiện bảo lãnh, trong khi không căn cứ trên số liệu chính xác.
“Dù kinh doanh thua lỗ, nhà đầu tư vẫn được nhà nước bảo lãnh, dẫn đến gia tăng gánh nặng ngân sách để thực hiện bảo lãnh. Như trường hợp Hàn Quốc, thu hút được 66,1 tỷ Won vào 203 dự án BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh); nhưng số tiền phải chi trả theo cam kết bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho doanh nghiệp BTO lên đến 1.390 tỷ Won. Vì vậy, sau thời gian triển khai bảo lãnh doanh thu tối thiểu, Hàn Quốc ngừng áp dụng cơ chế này”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.
Hiện nay, cả nước có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng với khoảng 1,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư. Việc thiếu hụt chính sách đối với cơ chế bảo lãnh của Chính phủ trong các dự án PPP là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số dự án giao thông có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phải tạm dừng như Dự án Dầu Giây - Phan Thiết; dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch.