|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Chiến lược giúp hạn chế tình trạng bội chi kinh niên cho người trẻ

07:00 | 04/07/2020
Chia sẻ
Hầu hết những người trẻ đều phải đối mặt với một thực tế là thường xuyên ở trong tình trạng bội chi. Điều này ảnh hưởng không tốt đến tài chính cá nhân của bạn, do đó, bạn cần có chiến lược để ứng phó và khắc phục.

Có những người trẻ dành hết những năm trong độ tuổi 20 của mình để sửa chữa những sai lầm tài chính mà cơ bản và phổ biến nhất là bội chi kinh niên: Luôn luôn chi tiêu nhiều hơn khoản tiền mình kiếm được dẫn tới tình trạng nợ nần hoặc đi làm chỉ để trả nợ. Thực tế là không một ai muốn mãi làm một tân binh trong lĩnh vực quản lí tài chính cá nhân, liên tục lặp đi lặp lại sai lầm về tiền bạc, ngân sách.

Theo Business Insider, cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này là bạn hãy bắt đầu xem xét, đánh giá từ thói quen chi tiêu của mình, biết cách lập kế hoạch ngân sách và thực thi nó.

Một số chiến lược giúp hạn chế tình trạng bội chi

Chiến lược 1: Đặt ngân sách trung thực và có thể đạt được

Nhiều người trẻ cực kì tệ trong việc thiết lập ngân sách để chống bội chi. Họ thường tạo ra những kế hoạch không thể thức hiện được, chẳng hạn như cắt giảm đến 75% chi phí ăn uống hoặc không chi tiền cho bất cứ điều gì không thiết yếu như giải trí hay mua sắm quần áo. Rõ ràng, nếu bạn có quyết tâm thì bạn vẫn có thể làm được nhưng các kế hoạch tài chính kiểu này sẽ sớm làm bạn kiệt sức.

Giải pháp cho thực trạng trên là bạn hãy đề ra một chiến lược tài chính hợp lí hơn, trong đó tập trung vào xác định mức chi tiêu cần thiết cho tất cả các khoản cố định và cố gắng cắt giảm chúng xuống mức thấp hơn so với hiện tại, trong khi vẫn chi tiền cho các hoạt động khác nhưng trong giới hạn được kiểm soát. Nó sẽ giúp bạn hạn chế bội chi và theo dõi chi tiêu trong suốt cả tháng.

Chiến lược 2: Hạn chế hoặc dừng sử dụng thẻ tín dụng

Chiến lược giúp hạn chế tình trạng bội chi kinh niên cho người trẻ - Ảnh 1.

Bội chi là tình trạng nhiều người trẻ gặp phải mỗi tháng.

Một vấn đề khác dẫn tới tình trạng bội chi cho người trẻ là phụ thuộc vào thẻ tín dụng. Bạn có phải người thường xuyên quẹt thẻ mà không suy nghĩ kĩ về những gì bạn mua (có thực sự cần thiết không, giá cả có quá đắt đỏ không, v.v.). Xu hướng này khiến nhiều người trở thành "con nợ tín dụng". Lúc này, điều bạn cần làm để hạn chế bội chi ngân sách là liệt kê đầy đủ các khoản chi tiêu bằng thẻ tín dụng, cộng tổng số tiền bạn đã chi tiêu và so sánh nó với tổng ngân sách của bạn. Đôi khi, sự tương quan của các con số có thể làm bạn cảm thấy sốc.

Bước tiếp theo là bạn hãy cố gắng hạn chế hoặc tạm dừng sử dụng thẻ tín dụng, dành ít thời gian lướt mạng, chặn lại các ý tưởng mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, nhược điểm của chiến lược này là bạn hầu như chỉ có thể ngăn chặn tình trạng bội chi trong một khoảng thời gian ngắn vì không ai có thể hoàn toàn không mua sắm.

Chiến lược 3: Viết ra tất cả các giao dịch mua trong thời gian thực

Khi bạn bắt đầu nhận ra rằng mình tiêu tiền quá nhanh và thường xuyên bội chi, bạn hãy thử cố gắng ghi lại tất cả chi tiêu trong thời gian thực. Hành động này sau mỗi lần mua hàng không chỉ giúp bạn kiềm chế việc ra quyết định mua khi chưa nghĩ kĩ mà còn cho phép bạn kiểm soát số tiền chi tiêu hàng ngày. 

Ngoài ra, việc kiểm tra sao kê tín dụng 1 hoặc 2 lần mỗi tháng cũng là một phương pháp khác giúp xử lí bội chi. Tuy nhiên, không dễ để thường xuyên liệt kê đầy đủ các khoản chi tiêu. Bạn có thể bị quên hoặc cảm thấy quá mệt mỏi và sớm từ bỏ.

Chiến lược 4: Chia tiền thành nhiều khoản khác nhau

Những chiến lược chống bội chi kể trên đều có những ưu điểm và khuyết điểm nhất định. Trong khi đó, chiến lược chia tiền thành nhiều khoản khác nhau được chứng minh là vô cùng hữu ích trong kiểm soát tiền bạc.

Như một cách để không rơi vào tình trạng bội chi mỗi tháng và cũng không phải suy nghĩ quá nhiều về kiểm soát ngân sách, bạn nên bắt đầu dùng tiền mặt cho các giao dịch mua hàng ngày, chỉ dùng 1 thẻ tín dụng nếu thực sự cần thiết. 

Vào đầu mỗi tuần, bạn hãy tự xác định xem mình cần bao nhiêu tiền cho các chi phí như ăn ngoài, mua đồ tạp hóa, di chuyển, v.v. và chia tiền thành các khoản cụ thể cho những hoạt động đó.

Khía cạnh trực quan của việc tách tiền mặt ra thành từng khoản cho phép bạn nhận thức rõ tiền của mình đang đi đâu. Điều này cũng giúp kiểm soát tối đa ngân sách hàng tuần và hàng ngày, chống bội chi.

Thu Phương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.