|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chiến dịch 'làm sạch' thị trường chứng khoán: Cần hành động của cơ quan quản lý cho đến kiểm soát hoạt động môi giới

15:50 | 05/04/2022
Chia sẻ
Một số khuyến nghị giúp “làm sạch” thị trường chứng khoán Việt Nam được Phó Chủ tịch VAFI đưa ra là tăng cường hoạt động thanh tra giao dịch, hậu kiểm phát hành, cổ phần hóa sở giao dịch để minh bạch, kiểm soát hoạt động môi giới từ các công ty chứng khoán.

Nguyên nhân nào dẫn đến những tiêu cực của thị trường: thao túng, làm giá, phát hàng “giấy”

Trong giai đoạn gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều sự kiện tiêu cực như Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam khi thao túng giá cổ phiếu hay việc hủy phát hành 9 lô trái phiếu giá trị hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các công ty thành viên.

Như đã nêu trong bài viết trước đó, xu hướng các lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào hoạt động thao túng giá cổ phiếu khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Những hành vi trên không chỉ xuất phát từ chủ quan các doanh nghiệp mà còn xuất phát từ những yếu tố bên ngoài.

Bình luận về những góc khuất hiện nay của thị trường, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng trong những năm gần đây, chuyên làm giá chứng khoán, gian lận báo cáo tài chính rồi trục lợi phát triển nhanh chóng cùng với quy mô của thị trường.

Theo ông Hải, nhiều khi “đội lái” ngang nhiên “làm mưa làm gió”, có những đợt làm giá chứng khoán phát động trên các diễn đàn mạng, rồi từ phát biểu của lãnh đạo. Các hoạt động tiêu cực thu hút hàng trăm nghìn nhà đầu tư. Như vậy rất nguy hiểm cho thị trường, nhất là những nhà đầu tư F0 còn chưa có kinh nghiệm.

Một phần nguyên nhân của vấn đề này được Phó Chủ tịch VAFI đưa ra là khâu thanh tra giám sát của thị trường từ sở giao dịch hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn yếu.

“Ví dụ khi bán chui chỉ có xử phạt hành chính rất nhẹ, phần xử phạt có khi chỉ bằng một phần nghìn lợi nhuận làm ra. Điều này khuyến khích nhà đầu tư bán chui. Thực ra luật đã quy định phải tịch thu những khoản lợi nhuận bất chính rồi phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự”.

Bên cạnh việc thanh gia, giám sát các giao dịch, ông Nguyễn Hoàng Hải đưa quan điểm cần phải thanh tra giám sát hoạt động niêm yết phát hành cổ phần của doanh nghiệp. Việc phát hành cổ phần khi giá cổ phiếu ở mức thấp có thể dẫn đến tình trạng “bán giấy” trên thị trường.

“Công tác hậu kiểm, thanh tra giám sát thị trường vẫn làm chưa thực sự tốt tạo điều kiện cho các vấn đề gian lận tiêu cực xảy ra trong suốt nhiều năm”, vị lãnh đạo VAFI đưa quan điểm.

Cùng với thanh tra giám sát thị trường, hoạt động của các công ty chứng khoán thành viên, đặc biệt ở bộ phận môi giới cũng cần được kiểm soát.

Thực trạng hiện nay, không ít nhân viên môi giới khuyến nghị nhà đầu tư mua các cổ phiếu bị làm giá. Bản thân các nhân viên môi giới cũng “lao vào” các cổ phiếu có dấu hiệu bị thao túng để có lợi nhuận nhanh.

“Ai cũng nghĩ rằng mình không phải là người cuối cùng xảy ra tính trạng chết hàng loạt”.

Bốn khuyến nghị để “làm sạch” thị trường

Trước trình trạng trên của thị trường, Phó Chủ tịch VAFI đưa ra bốn khuyến nghị nhằm “làm sạch” thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ nhất là luân chuyển cán bộ ở cấp cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai, bộ máy của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần cải tổ theo hướng thông lệ quốc tế.

Liên quan đến mô hình hoạt động ủy ban chứng khoán, ông Hải lập luận, trên thế giới, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán gọi là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Mô hình của uy ban là tạo ra để đảm nhiệm các công việc độc lập không xung đột lợi ích với nhau. Bộ máy gồm Chủ tịch, Tổng thư lý Ủy ban, 1 – 2 ủy viên chuyên trách, ngoài ra còn có các ủy viên kiêm nhiệm như Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thứ tưởng Bộ Tài chính hoặc Thứ trưởng Bộ Công an.

Với bộ máy như trên sẽ tránh được xung đột lợi ích khi vừa vai trò là cơ quan cấp phép, trong khi vừa giữ vai trò thanh tra giám sát.

Giải pháp thứ ba là cổ phần hóa sở giao dịch chứng khoán, sau đó niêm yết công khai minh bạch. Như vậy, làm cho sở giao dịch hoạt động công khai minh bạch, chuyên nghiệp, dễ quản lý hơn.

Thứ tư, phải có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, cổ đông kể cả người dân đấu tranh chống các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán.

“Nếu thực hiện các giải pháp như vậy thì thị trường sẽ hoạt động nghiêm, các “đội lái” cũng sẽ sợ. Giờ nhiều tổ chức có dấu hiệu ngang nhiên, sử dụng phương tiện truyền thông để làm giá”, ông Hải nhận định.

Đến lúc công ty chứng khoán siết chặt hơn hoạt động môi giới

Như đã nêu trên, những tiêu cực trên thị trường cũng phần nào liên quan đến các công ty chứng khoán. Do đó, Phó Chủ tịch VAFI khuyến nghị nhà đầu tư nếu thấy các nhân viên môi giới khuyến nghị các cổ phiếu có dấu hiệu bị thao túng, làm giá, đẩy giá dù kinh doanh thua lỗ có thể tẩy chay, thay đổi sang công ty khác tìm môi giới mới.

Tuy vậy, thực trạng trên còn liên quan đến năng lực của nhân viên môi giới. Do đó, các công ty chứng khoán có thể cấm nhân viên môi giới khuyến nghị tư vấn cho nhà đầu tư. Thay vào đó là thành lập một bộ phận tư vấn cho khách hàng độc lập. Bộ phận tư vấn khách hàng này phát hành ra các báo cáo tư vấn cho nhà đầu tư nhưng cũng cần phải kiểm soát.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lợi Hoàng - Đức Anh