|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chia lô nhỏ để bán cổ phiếu: Thiếu các quy định cụ thể

07:42 | 07/12/2016
Chia sẻ
Trước tình trạng chia lô nhỏ để bán cổ phiếu, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm cổ phần chi phối khi cổ phần hóa, chuyên gia tài chính - ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực nói: "Cái không được của việc chia lô nhỏ để bán cổ phiếu là có thể dẫn đến vượt hạn mức, nên cần sớm có quy định cụ thể hạn mức trần và sàn".  

* Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại cuộc họp báo ngày 30/11 về việc đấu giá cổ phần tại Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) cho biết, việc chia nhỏ cổ phần cho mỗi lô chào bán ở mức 2,7% là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư mua được cổ phiếu VNM. Ông nói gì về phương thức bán vốn này?

- Việc bán cổ phần theo lô được Chính phủ khuyến khích. Bán theo lô là một sự đổi mới cho bán cổ phiếu lần đầu với thủ tục gọn nhẹ hơn. Các nhà đầu tư sẽ mua được lượng cổ phiếu lớn hơn. Như vậy, thay vì nhà đầu tư mua lẻ hàng triệu cổ phiếu thì giờ mua 4 hoặc 5 lô. Cách làm này hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Nhiều khả năng SCIC cũng dành một số phần trăm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Về mặt tài chính hay quản lý nhà nước là không có gì rủi ro và cũng không lo chuyện các nhà đầu tư thao túng hay chi phối, vì họ chỉ được mua một số cổ phần nhất định, không phải mua cả doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chia lô nhỏ để bán cổ phiếu cũng có những hạn chế. Nhà đầu tư phải mua hết cả lô và không thể xé lẻ. Cạnh đó, nếu nhà đầu tư mua vượt hạn mức cho phép phải được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan. Theo tôi, đây là vấn đề kỹ thuật và không quá lớn.

* Chia lô nhỏ để bán cổ phiếu của Vinamilk lần này, SCIC không quy định riêng mức tối thiểu mà thực thiện theo quy định hiện hành của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, tức là mỗi nhà đầu tư phải mua tối thiểu 20.000 cổ phiếu và sẽ được mua tối đa 39,19 triệu cổ phần VNM. Nhiều nhà đầu tư quan ngại việc xin phép chấp thuận hạn mức rất có thể phát sinh tiêu cực...

- Chia lô nhỏ bán cổ phiếu rất cần đảm bảo tính công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mới hạn chế tiêu cực ở mức thấp nhất. Nếu cứ sợ bị thao túng, sợ nhóm lợi ích chi phối để đưa ra những quy định cấm đoán thì thị trường chứng khoán không phát triển được, và như vậy sẽ đẩy lùi tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ sở hữu quá cao, tới 50 - 60% thì nhà đầu tư khó có thể mặn mà. Do đó không thể thực hiện thành công việc cổ phần hóa các DNNN nếu vẫn giữ phương thức cũ.

Vì vậy, trước mắt, với trường hợp của Vinamilk, có thể thực hiện cách làm này, nhưng về lâu dài, cần có quy định về hạn mức trần, sàn cụ thể. Chẳng hạn, mức trần bán theo lô là 5% so với số lượng tối đa được mua, còn trên 5% thì phải báo cáo. Đó là những quy định cần thiết để cách làm này được vận hành trôi chảy.

* Theo ông, điều gì cần lưu ý khi nhân rộng phương thức chia lô nhỏ để bán cổ phiếu đối với các DN lớn khác mà Nhà nước nắm tỷ lệ vốn chi phối?

- Theo tôi, phải có kênh báo cáo, có thể theo quy định chung của thị trường chứng khoán khi bán cổ phiếu ra công chúng. Cạnh đó, chỉ nên thí điểm chia lô nhỏ để bán cổ phiếu trong một thời gian, sau đó tổng kết để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, trước khi cho nhân rộng.

* Cám ơn ông!

Từ năm 2011 đến tháng 9/2016 đã có 426 DNNN triển khai bán cổ phần lần đầu, trong đó chỉ có 254 DN bán được hết số cổ phần chiếm 60%, 172 DN chiếm 40% chưa bán hết cổ phần, điều đó thể hiện sự hấp thụ từ bên ngoài còn chưa cao.

Những DN lớn còn có vốn của Nhà nước cao sau khi cổ phần là Lilama (98%), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (91,23%), Tổng công ty xăng dầu (94,99%), Tổng công ty Thép (93,6%).

Hải Vân