Chỉ tốn hai buổi chiều nhưng hiệu quả của việc này rất lâu dài, khiến bạn trở nên giàu có hơn
Trong cuốn sách mới của mình có tên là "Get Good With Money", chuyên gia tài chính, podcaster và tác giả viết sách nổi tiếng Tiffany "The Budgetnista" Aliche đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản mà cô cho là nguyên tắc cần thiết xoay quanh việc lập ngân sách, quản lý tiền bạc dành cho bất kỳ ai muốn xây dựng sự giàu có.
Chuyên gia tài chính này cũng khẳng định những kế hoạch này chỉ tốn của bạn trong khoảng 2 buổi chiều nhưng hiệu quả thì rất lâu dài.
Cách lập ngân sách và chuẩn bị kế hoạch quản lý tiền bạc
1. Lập ngân sách mà bạn sẽ thực sự tuân theo
Bất kỳ ai, có mức thu nhập như thế nào cũng có thể lập ngân sách. Hiểu một cách đơn giản thì bạn chỉ cần biết mình có bao nhiêu tiền, chi tiêu cho những khoản gì. Nếu bạn chưa quen với kế hoạch lập ngân sách, Aliche khuyên bạn nên bắt đầu bằng cách vạch ra những khoản thu nhập và các khoản chi cố định cũng như không cố định. Bạn cũng nên chia nhỏ hơn thành khoản chi cần thiết và không cần thiết.
Bước tiếp theo khi lập ngân sách là bạn hãy quyết định số tiền mình muốn tiết kiệm và đầu tư cũng như để chi tiêu. Có những cách lập ngân sách khác nhau và bạn có thể chọn một phù hợp nhất với mình, không nhất định phải là 50 – 30 – 20.
2. Thiết lập một khoản tiền gửi tự động vào khoản tiết kiệm hàng tháng
Khi bạn đã giải quyết xong việc lập ngân sách, tiết kiệm là việc cần làm tiếp theo. Phần quan trọng nhất của việc tiết kiệm là thực sự thực hiện nó và đừng bao giờ có những lý do như là bị quên hoặc tạm bỏ qua tháng này, tháng sau,…
Muốn làm được, tốt nhất bạn nên thiết lập tài khoản tiền gửi tự động, ngay sau khi nhận lương về thẻ thì một phần cố định sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm. Lời khuyên của Aliche ở đây là bạn nên sử dụng tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao từ ngân hàng trực tuyến.
3. Quản lý tốt các khoản nợ, nhanh chóng trả lại nếu có thể
Nếu bạn mắc nợ lãi suất cao như những khoản vay cá nhân hoặc nợ thẻ tín dụng thì bước này rất quan trọng, ảnh hưởng tới việc kiểm soát ngân sách cũng như khả năng thực hiện các kế hoạch tài chính cá nhân.
Trong nhiều trường hợp, số tiền nợ bao gồm cả gốc lẫn lãi có thể vượt quá cả tiết kiệm, đầu tư của bạn. Bạn nên cân nhắc hợp nhất nợ, xin được tái cấp vốn, giảm lãi suất,… để giảm tổng số tiền lãi cho các khoản nợ đang có. Đối với thẻ tín dụng và các loại nợ tiêu dùng khác, việc chuyển số dư từ thẻ này sang thẻ có lãi suất thấp hơn có thể hữu ích.
4. Kiểm tra điểm tín dụng
Nếu bạn chưa kiểm tra điểm tín dụng của mình gần đây, Aliche khuyên bạn nên làm như vậy. "Hãy coi báo cáo tín dụng của bạn như một loại bảng điểm tiền bạc, tương tự như bảng điểm trung học của bạn, nó cho biết bạn đã học những lớp nào và điểm số bạn đạt được là bao nhiêu", cô viết. Điểm của bạn càng cao, bạn càng được các "chủ nợ" – ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng, người cho vay cá nhân hay thậm chí là các công ty bảo hiểm ưu ái hơn.
Với những vụ lừa đảo tín dụng và lỗi báo cáo ngày càng gia tăng trong thời kỳ đại dịch, việc kiểm tra điểm tín dụng của bạn thường xuyên cũng là một cách để đảm bảo an toàn, không khiến bạn bất ngờ gánh một khoản nợ mà bạn không gây ra.
5. Tìm người lập kế hoạch tài chính chuyên nghiệp
Lập ngân sách thì dễ nhưng duy trì kế hoạch ngân sách, cân đối giữa chi tiêu – tiết kiệm – đầu tư thì rất khó. Nếu bạn có thu nhập ổn, có nền tảng tài chính khá vững chắc và muốn giàu có hơn để an nhàn khi về già thì tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn tài chính là một cách hay. Có một người lập kế hoạch tài chính tốt cũng giống như có một bác sĩ giỏi - đó là người biết hoàn cảnh của bạn và đưa ra giải pháp giúp đỡ đáng tin cậy.