|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm tốc

10:56 | 29/10/2016
Chia sẻ
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của cả nước trong 10 tháng tăng 7,2% so với cùng kì, nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,8% của năm 2015.
chi so san xuat cong nghiep giam toc
Công nghiệp chế biến chế tạo. Ảnh: Hà Nội Mới.

Con số được Tổng cục Thống kê cho biết trong số liệu công bố mới nhất. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 7,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng này lại thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,8% đạt được của cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê lý giải, IIP giảm tốc chủ yếu do ngành khai khoáng tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Ngành này giảm 5,5%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm mức tăng chung.

Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%, đóng góp 7,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất, phân phối điện, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải đóng góp lần lượt 0,8 và 0,1 điểm phần trăm.

Điểm qua một số ngành công nghiệp cấp II, ngành có chỉ số IIP cao nhất 10 tháng qua là sản xuất kim loại với mức tăng 17,7%. Các ngành dệt may, sản xuất xe động cơ, điện tử vẫn giữ tăng trưởng ở mức cao trên 14%. Một số ngành có mức tăng IIP thấp hơn. Cá biệt, ngành khai thác dầu thô và khí đốt giảm tới 7,5% trong 10 tháng.

chi so san xuat cong nghiep giam toc
IIP một số ngành công nghiệp cấp II (%). Số liệu: Tổng cục Thống kê.

Trong 10 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ti vi có mức tăng lớn nhất, lên tới 79,2%. Tiếp đến là thép cán tăng 25,7%; ô tô, thức ăn gia súc và sắt thép thô đều tăng hơn 19%. Chỉ số IIP mặt hàng xi măng tăng 14,9%.

Các sản phẩm Giày, dép da, than đá tăng dưới 1,3%. Phân urê, vải dệt từ sợi tự nhiên, đường kính giảm từ 5,6% đến 6,5%, Nhóm điện thoại di động, dầu thô khai thác, phân hỗn hợp (NPK) giảm xung quanh 9,8%.

Một số địa phương có chỉ số IIP biến động mạnh, trong đó tăng dẫn đầu là Quảng Nam với 29,2%, Thái Nguyên với 26,6%. Các thành phố Hải Phòng, Đã Nẵng, Cần Thơ đều tăng trên 10%.

Bên cạnh đó, IIP của Bình Dương tăng 9,2%; Bắc Ninh, Hải Dương và Đồng Nai cùng tăng 8,1%. Thủ đô Hà Nội tăng 6,8% còn TP HCM mức tăng là 7,3%. Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,2%.

Xét riêng ngành chế biến chế tạo, chỉ số sản xuất trong 9 tháng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số tồn kho toàn ngành tại thời điểm 01/10/2016 tăng 8,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2016 là 67,6% (cùng kỳ năm trước là 73,6%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 128,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 113,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 106,8%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2016 tăng 4,8% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,2%.

Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 7,3% so với cùng thời điểm năm trước. Ngành sản xuất, phân phối điện và cung cấp nước, xử lý rác thải tăng lần lượt 0,2% và 2,2%. Riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 5,7% so với cùng kì năm trước.

Thái Hoàng