|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc thấp hơn dự báo trong tháng 7

14:21 | 31/07/2017
Chia sẻ
Thứ Hai (31/7), Trung Quốc công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 7 đạt 51,4 điểm, thấp hơn so với kỳ vọng đưa ra trước đó.

Kết quả từ cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế của Reuters trước đó dự báo chỉ số PMI ngành sản xuất sẽ ở mức 51,6 điểm trong tháng 7, thấp hơn 0,1 điểm so với tháng 6.

chi so pmi nganh san xuat cua trung quoc thap hon du bao trong thang 7
Nguồn: STR | AFP | Getty Images

Trong báo cáo, nhà thống kê cấp cao Zhao Qinghe của Cục thống kê Quốc gia cho biết, sự suy yếu của hoạt động sản xuất là do điều kiện thời tiết thay đổi, lũ lụt tại nhiều nơi ở Trung Quốc, và bảo dưỡng theo định kỳ tại một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, xuất – nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng từ tháng trước.

Mặc dù các chỉ số sản xuất và đơn đặt hàng mới đều giảm từ tháng 6, chênh lệch giữa hai chỉ số đã giảm dần, cho thấy cung – cầu có sự cải thiện.

Tuy nhiên, chỉ số giá mua hàng và giá sản xuất tăng, làm giảm lo ngại về vấn đề giảm phát của ngành hàng hóa, chuyên gia kinh tế học cấp cao Betty Rui Wang của ngân hàng ANZ cho biết.

Bà Wang cho biết ngân hàng dự báo ngành hàng hóa sẽ phục hồi trong những tháng sắp tới nhờ giá cả hàng hóa leo thang và chỉ số ngành xây dựng tăng lên mức cao nhất 3 năm trong tháng 7, cho thấy động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhờ hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, chỉ số PMI ngành dịch vụ của Trung Quốc giảm từ 54,9 trong tháng 6 xuống 54,5 điểm tháng 7.

Theo ông Zhao, dù chỉ số này giảm trong tháng 7, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trong 6 tháng đầu năm 2017.

Chi tiêu tiêu dùng trong mùa hè như di chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, nhà nghỉ, thực phẩm và nước giải khát đều tăng.

Trong khi chỉ số PMI ngành sản xuất thường được theo dõi chặt chẽ hơn, xu hướng tập trung vào tiêu dùng trong nước và hướng xa đầu tư tạo ra tăng trưởng của Trung Quốc. Điều này có nghĩa ngành dịch vụ (gồm bất động sản, bán lẻ và giải trí) chiếm phần lớn nền kinh tế của Trung Quốc.

Đầu tháng 7, Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP quý II ở mức 6%, vượt qua dự báo được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, các nhà giám sát thị trường nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chậm lại vì chính sách thắt chặt trên thị trường bất động sản, và chiến dịch giảm đòn bẩy tài chính của chính phủ.

Lyly Cao