Chi phí vay đầu tư bất động sản vẫn cao
Môi trường lãi suất cao đang là trở ngại đối với nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp bất động sản vốn dĩ vẫn phải vật lộn với những khó khăn do bối cảnh thị trường trầm lắng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây sẽ kéo theo xu thế các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động tiết kiệm và giảm lãi suất cho vay một chút. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn cao.
Do đó, vị này đề xuất NHNN xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay thực chất hơn và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.
Cụ thể, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp được giãn tiến độ trả nợ theo chủ trương của Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 của Chính phủ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản được vay tín dụng đối với dự án đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay.
“Khó khăn lớn nhất nổi lên của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là tình trạng thiếu dòng tiền, thiếu thanh khoản nghiêm trọng. Việc tạo điều kiện cho người mua nhà và nhà đầu tư được vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý sẽ làm tăng tổng cầu. Đây cũng là một giải pháp rất quan trọng để tạo dòng tiền và làm tăng tính thanh khoản của thị trường bất động sản, giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn hiện nay”, ông Châu nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cho biết, có 5 yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản, gồm: Lãi suất, tín dụng, chính sách bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công, pháp lý dự án.
Trong đó, lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người tham gia vào thị trường, từ khách hàng đến nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư đều gặp khó khăn. Về tín dụng, quý IV/2022 khá căng thẳng, ngoài việc chủ đầu tư gặp khó, người mua cho dù chấp nhận mức lãi suất cao thì room tín dụng cũng không có.
Tuy nhiên, theo ông Huy, so với giai đoạn cuối năm 2022, hiện nay đã có nhiều tín hiệu tốt hơn ở cả hai yếu tố là lãi suất và tín dụng. Theo đó, liên quan đến tín dụng, từ việc doanh nghiệp khó vay thì hiện nay đã có thể vay dễ dàng hơn, tuy nhiên chi phí vay vẫn ở mức khá cao. Cùng với đó, về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng là một thông tin tích cực đối với thị trường bất động sản.
Liên quan đến thị trường chứng khoán, Giám đốc Đầu tư Nam Long cho biết thêm, từ việc một số công ty chứng khoán hạ tỷ lệ cho vay margin với cổ phiếu bất động sản về 0 thì hiện nay họ đang mời gọi lại với lãi suất thấp hơn nhiều so với cách đây khoảng 4 tháng.
Kỳ vọng lãi suất giảm thêm
Tính đến ngày 20/3/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% trong khi cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%. Cùng với đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng chỉ tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%).
Tín dụng đã tăng rất chậm trong các tháng đầu năm do nhu cầu vay vốn sụt giảm trong khi mặt bằng lãi suất tăng cao. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022.
Phát biểu tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" diễn ra sáng 30/3, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Thông điệp mà NHNN muốn gửi tới các doanh nghiệp về vấn đề giảm lãi suất là chúng tôi đã và đang giảm, sắp tới các ngân hàng thương mại sẽ được đề nghị giảm tiếp lãi suất một lần nữa".
Ngoài ra, theo ông Tú, việc giãn/hoãn nợ cho doanh nghiệp là việc cần thiết, sắp tới NHNN sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc giãn/hoãn nợ phải phù thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng.
Thực tế, nếu so với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm 1-2%, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, muốn kéo giảm lãi suất xuống 8 - 9%/năm cũng phải có lộ trình từ từ và phải chờ đợi thêm.
Nếu lãi suất vay vốn giảm, vị này cho rằng sẽ có ba tác động tích cực cho cả bên bán và bên mua trên thị trường bất động sản.
Thứ nhất, chi phí vốn giảm và giá bán hấp dẫn hơn. Áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư sẽ giảm bớt do tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn; từ đó có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường bất động sản. Đồng thời, chủ đầu tư có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai các dự án mới; kết quả là nguồn cung mới sẽ được bổ sung cho thị trường.
Thứ hai, nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn. Trước đây, lãi suất cho vay ở mức cao là một trong những rào cản lớn đối với việc khách hàng ra quyết định mua bất động sản. Khi lãi suất vay vốn giảm, sẽ thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản của khách hàng.
Thứ ba, tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản. Khách hàng đang có tâm lý chờ đợi giá bất động sản giảm tiếp khiến thanh khoản thị trường trầm lắng. Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất giảm dần, kỳ vọng tình trạng trên sẽ được cải thiện với tâm lý trên thị trường sẽ tích cực hơn.