|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi phí tăng, vùng mía nguyên liệu “oằn mình”

09:23 | 31/12/2016
Chia sẻ
Niên vụ mía 2016, nông dân (ND) vùng mía nguyên liệu lớn nhất miền Tây tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vô cùng phấn khởi bởi lợi nhuận cao. Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài thì nỗi lo vụ mía mới lại khiến ND lo lắng bởi chi phí đầu tư tăng cao.

Chi phí đầu tư tăng cao

Cũng với 5 công mía, nhưng năm nay gia đình ông Đặng Minh Thảo (ở xã Hiệp Hưng) phải bỏ ra chi phí đầu tư tăng thêm 30% so với năm trước. Nếu năm trước mỗi mét chi phí đào học mía chỉ ở mức 500 đồng thì năm nay ở mức 700 đồng (tăng 200 đồng/mét). Ông Thảo cho biết: “Chi phí đào học mía hiện nay tăng theo từng ngày, do nhân công lao động nghề này ít, trong khi người dân xuống giống lại đồng loạt nên giá đội lên cao. Tuy giá cao nhưng cũng rất khó tìm được nhân công thời điểm này”.

chi phi tang vung mia nguyen lieu oan minh
Chi phí đầu tư niên vụ mía mới tăng cao, khiến nhà nông vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp lo lắng. Ảnh: Thanh Duy

Bên cạnh chi phí đào học tăng, giá mía giống hiện nay cũng ở mức đắt đỏ. Năm nay, do nhu cầu mía nguyên liệu tăng cao nên đã kéo theo giá mía giống vì thế cũng tăng theo. Hiện tại, các giống mía chín sớm như ROC16 được các thương lái chở từ huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng về cung ứng cho người dân với giá từ 1.900- 2.000 đồng/kg; các giống K cũng ở mức 1.700- 1.800 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước).

Chị Huỳnh thị Thanh Thúy (ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ) cho hay: Dù chi phí đầu tư tăng cao, nhưng nếu giá mía ổn định ở mức 1.100 đồng/kg thì nông dân vẫn an tâm đầu tư cho cây mía. Bởi khu vực Hòa Mỹ là vùng lung phèn, cây ăn trái khó phát triển nên nông dân ở đây chỉ biết trồng mía.

Đẩy mạnh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Theo kế hoạch, vụ mía năm 2017 huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục duy trì diện tích mía ở mức 7.500ha. Cơ cấu giống mía hiện nay, người trồng đa phần lựa chọn giống mía chín sớm như ROC16.

Theo nhận định của nhiều nhà nông, để một vụ mía đạt hiệu quả, giống mía là yếu tố rất quan trọng. Giống mía có năng suất, trữ đường cao sẽ góp phần đem lại lợi nhuận cao hơn. Việc chọn giống mía được ND xem là công việc quan trọng ngay đầu vụ. Chính vì thế, mặc dù hiện nay dù giá mía có cao, người dân vẫn chọn những giống chất lượng để xuống giống.

Ông Nguyễn Thế Tự- Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Hiện nay mực nước nội đồng còn khá cao, nên tiến độ xuống giống mía năm nay diễn ra khá chậm. Nếu như thời điểm này của những năm trước toàn huyện xuống giống khoảng 2.000ha, nhưng hiện nay chỉ xuống giống được khoảng 800ha, tập chủ yếu ở các xã như: Hòa An, Hòa Mỹ, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng… Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống là chi phí đầu tư cho vụ mía mới hiện nay khá cao khiến không ít ND do dự. Đều này cũng dễ hiểu bởi với thị trường luôn bất ổn như hiện nay, ND vẫn chưa thật sự an tâm với đầu ra của cây mía”.

“Trước tình hình chi phí đầu tư tăng cao như hiện nay, trong khi nỗi lo thị trường đầu ra của cây mía không ổn định, muốn có thu nhập từ cây mía, không còn cách nào khác, ND trồng mía phải đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất trên cùng một diện tích canh tác. Bên cạnh đó, tùy từng khu vực, ND cũng có thể áp dụng các mô hình lấy ngắn nuôi dài như trồng rẫy dây hay hoa màu để có thêm chi phí đầu tư cho cây mía” – ông Tự chia sẻ.

Thanh Duy