|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chi phí pin tăng cao không làm ảnh hưởng đến doanh số bán xe điện

00:46 | 20/04/2022
Chia sẻ
Sẽ ngày càng có nhiều người mua xe điện bất kể chi phí của pin và giá bán.
Nhiều người trên thế giới đang xếp hàng để mua xe điện (EV) trong năm 2022 ngay cả khi giá bán tăng vọt, trái ngược hoàn toàn với kịch bản cách đây 15 năm mà ngành công nghiệp ô tô đưa ra là doanh số bán xe điện chỉ bùng nổ sau khi chi phí pin giảm xuống dưới ngưỡng không tưởng.
 
Trong năm 2022, nhu cầu về xe điện vẫn tăng mạnh ngay cả khi chi phí trung bình của pin lithium-ion đã tăng lên ước tính 160 USD mỗi kilowatt giờ trong quý I/2022 so với mức 105 USD trong năm 2021. Chi phí tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng, các lệnh trừng phạt đối với kim loại của Nga và hoạt động đầu cơ của nhà đầu tư.
 
Giá bán một chiếc xe cỡ nhỏ như Hongguang Mini, mẫu xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc, đã tăng thêm gần 1.500 USD (khoảng 30%) do chi phí pin cao hơn.
 
Tuy vậy, chi phí xăng và nhiên liệu diesel cho xe động cơ đốt trong cũng đã tăng vọt kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine nổ ra, và các chuyên gia lưu ý tằng những lo ngại về môi trường cũng đang thúc đẩy nhiều người lựa chọn xe điện bất chấp tình hình kinh tế biến động.
 
Các nhà sản xuất xe điện từ Tesla đến SAIC-GM-Wuling, nhà sản xuất Hongguang Mini, đã chuyển chi phí cao hơn sang cho người tiêu dùng, với mức tăng giá hai con số đối với xe EV.
 
Các nhà sản xuất xe như Mercedes-Benz có thể cũng sẽ chuyển chi phí tăng cho khách hàng nếu giá nguyên liệu tiếp tục tăng. Giám đốc Công nghệ Markus Schaefer nói với Reuters rằng họ cũng cần duy trì lợi nhuận.
 
Theo ước tính của EV-volumes.com, việc mua sắm xe điện cho đến nay vẫn diễn ra khá sôi nổi. Doanh số bán xe điện toàn cầu trong quý I/2022 đã tăng gần 120%, đáng lưu ý Nio, Xpeng và Li Auto của Trung Quốc đã đạt doanh số bán xe điện kỷ lục trong tháng 3/2022 và Tesla cũng ghi nhận doanh số bán kỷ lục 310.000 EV trong quý đầu tiên.
 
Venkat Srinivasan, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Khoa học Lưu trữ Năng lượng tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne của Chính phủ Mỹ ở Chicago, nhận xét sẽ ngày càng có nhiều người mua xe điện bất kể chi phí của pin và giá bán.
 
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng chi phí pin có thể tiếp tục tăng trong năm tới hoặc lâu hơn, nhưng sau đó sẽ có một đợt giảm mạnh khi các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp đầu tư nhiều vào khai thác, tinh chế và sản xuất pin, và động thái đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thô, đưa cán cân từ thiếu sang thặng dư.
 
Từ lâu, ngành công nghiệp này đã chờ đợi ngưỡng chi phí pin ở mức 100 USD cho mỗi kilowatt giờ, trong bối cảnh có một dấu hiệu cho thấy rằng EV đã đạt mức giá ngang bằng với các sản phẩm tương đương nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu tăng cao và sở thích của người tiêu dùng thay đổi, điều đó có thể không còn quan trọng nữa.
 
Stan Whittingham, nhà đồng phát minh ra pin lithium-ion và là người đoạt giải Nobel năm 2019, cho biết nhu cầu về xe điện ở Trung Quốc và các thị trường khác "đang tăng nhanh hơn mọi người nghĩ, và nhanh hơn cả nguồn cung nguyên liệu".
 
Chris Burns, giám đốc điều hành của Novonix, một nhà cung cấp vật liệu pin tại Halifax, cho biết mối quan tâm về môi trường và khí hậu cũng làm thay đổi suy nghĩ của mọi người, đặc biệt là giới trẻ, để lựa chọn xe điện thay vì xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Ông Burns cho hay nhiều người trẻ tuổi quyết định chọn xe EV vì chúng tốt hơn cho môi trường và cho hành tinh.

Minh Hằng

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'cứu cánh' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.