|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chỉ gần 16% DN phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, HoREA đề nghị chưa siết trái phiếu DN BĐS

11:29 | 28/02/2020
Chia sẻ
HoREA kiến nghị không nên siết lại thị trường trái phiếu DN bất động sản tại thời điểm này, mà chỉ nên tập trung xây dựng các qui định pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch. Hiệp hội cũng kiến nghị cho phép DN được phát hành trái phiếu tối đa 4 đợt trong 1 năm...

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa mới gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, HoREA cho biết, về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 1/2020, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng này là 13.374 tỉ đồng, trong đó, doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 7.364 tỉ đồng, chiếm đến 55%. Đáng lưu ý là tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên rõ rệt, chiếm 17,6%.

Chỉ gần 16% DN phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, HoREA đề nghị chưa siết trái phiếu DN BĐS - Ảnh 1.

Theo HoREA, trường hợp Công ty Bất động sản S.B chào bán 150 tỉ đồng trái phiếu 24 tháng có lãi suất 18%/năm, nhưng không có nhà đầu tư mua, cho thấy các nhà đầu tư trái phiếu cũng đã thể hiện năng lực và trình độ đánh giá, lựa chọn danh mục đầu tư khả thi để tránh rủi ro. Ảnh minh họa.

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, HoREA cho hay, mặt tích cực là có đến 84,2% số doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lí.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn quan trọng, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản được bổ sung nguồn vốn đầu tư với cơ chế mềm hơn, so với việc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được vay tín dụng ngân hàng.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng đỡ bị áp lực, đỡ phải gánh vác việc cung ứng tín dụng trung, dài hạn cho các doanh nghiệp bất động sản, giảm thiểu được rủi ro.

Ngoài ra, xu thế gia tăng các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (là cá nhân) là tín hiệu đáng mừng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa đầu tư, huy động thêm được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong xã hội tham gia đầu tư, thay vì chỉ gửi tiết kiệm.

Qua trường hợp Công ty Bất động sản S.B chào bán 150 tỉ đồng trái phiếu 24 tháng có lãi suất 18%/năm, nhưng không có nhà đầu tư mua, cho thấy các nhà đầu tư trái phiếu cũng đã thể hiện năng lực và trình độ đánh giá, lựa chọn danh mục đầu tư khả thi để tránh rủi ro.

Tuy nhiên, HoREA cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập đáng quan ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 11 tháng đầu năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp, chiếm 15,8% có giá trị trái phiếu phát hành vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, đáng lưu ý là có đến 11 doanh nghiệp vượt 50 lần (chiếm tỉ lệ 6,2%); có 6 doanh nghiệp vượt 100 lần (chiếm tỉ lệ 3,38%) vốn chủ sở hữu.

Một số doanh nghiệp bất động sản có lãi suất trái phiếu lên đến 12 - 14%/năm, cao hơn mức lãi suất trái phiếu bình quân, cá biệt có doanh nghiệp có lãi suất trái phiếu ở mức tối đa là 20%/năm (Lãi suất 20%/năm là mức tối đa theo qui định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự).

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thật đảm bảo tính minh bạch. Chưa có đầy đủ cơ chế kiểm soát hiệu quả việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Chưa có nhiều đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện đánh giá chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đánh giá tính khả thi của phương án phát hành trái phiếu.

Vấn đề cần quan tâm là có một số doanh nghiệp chưa đảm bảo yếu tố minh bạch, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, không làm rõ mục đích sử dụng vốn trái phiếu và phương án trả nợ gốc, trả lãi, nên có tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu, nhất là nhà đầu tư cá nhân.

Ngoài ra, việc gia tăng tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân (trong đó có nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp) cũng đặt ra yêu cầu nâng cao trình độ, kĩ năng đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp phát hành trái phiếu và danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro.

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, cho rằng quá trình xem xét, sửa đổi một số điều của Nghị định 163, cần quan tâm đầy đủ các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản.

Hiện nay, thị trường vốn vẫn chưa phát triển đầy đủ, chưa có các nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản. Về phía Ngân hàng Nhà nước thì đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, nên các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

Ngoài ra, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở bị vướng mắc nên bị mất rất nhiều thời gian, dẫn đến doanh nghiệp bị đọng vốn trong nhiều năm. Hầu hết dự án mất không dưới 5 năm mới được huy động vốn.

Từ những khó khăn đó, HoREA kiến nghị, không nên siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm này, mà chỉ nên tập trung xây dựng các qui định pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về yêu cầu sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích theo phương án phát hành...

HoREA cũng cho biết, Hiệp hội đã có một số kiến nghị gửi Bộ Tài chính về một số qui định mới trong dự thảo "chưa thật sự phù hợp" với điều kiện hiện nay.

Cụ thể, HoREA kiến nghị hiện nay chưa cần thiết qui định phải đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính quí gần nhất tại thời điểm phát hành). Bởi lẽ, tổng giá trị phát hành trái phiếu phụ thuộc vào nhu cầu vốn của từng loại hình doanh nghiệp.

Hiệp hội cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu tối đa 4 đợt trong 1 năm, vì các doanh nghiệp lớn thường có nhiều dự án đầu tư có nhu cầu huy động vốn trái phiếu.

Ngoài ra, theo HoREA, không cần thiết qui định khoảng cách thời gian tối thiểu 6 tháng giữa 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm.

Trước đó, trước diễn biến tăng trưởng được xem là bất thường của hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 163 theo hướng siết chặt các qui định.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp phải bảo đảm dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không quá 3 lần vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng đưa ra dự thảo qui định khống chế về thời gian giữa các đợt phát hành và lãi suất phát hành trái phiếu. Việc làm này nhằm giám sát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản và tài chính - ngân hàng.

K.Hà

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.