Chây ỳ lên sàn, doanh nghiệp đối mặt án phạt tới 400 triệu đồng
Danh sách chậm lên sàn chưa dừng ở con số 730 Doanh nghiệp
Sau khi Văn phòng Chính phủ công khai danh sách 578 doanh nghiệp sau cổ phần hóa không tuân thủ quy định về đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán (vào tháng 4/2017), tại các cuộc họp định kỳ hàng tháng của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đều kiểm điểm, đánh giá về nội dung này. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn chẳng những không được khắc phục, mà danh sách này còn dài thêm sau khi Bộ Tài chính rà soát và cập nhật.
Theo đó, Công văn 7319/VPCP-ĐMDN ngày 13/7/2017 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp yêu cầu Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ công khai danh sách 730 doanh nghiệp cổ phần hoá chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên cổng thông tin điện tử của hai cơ quan này.
Như vậy, so với thời điểm tháng 4, sau 2 tháng Bộ Tài chính rà soát và cập nhật, danh sách doanh nghiệp chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn đã bổ sung thêm 152 công ty. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tới đây, danh sách này sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“730 doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết, giao dịch cổ phiếu là mới tính đến thời điểm hiện tại. Danh sách này sắp tới sẽ còn tăng thêm sau khi Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và cập nhật, bởi tính đến thời điểm này, còn khá nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung theo đúng quy định…”, ông Tiến cho hay.
Phạt nặng để tăng tính răn đe
Việc doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tất nhiên có nhiều nguyên nhân. Bỏ qua nguyên nhân chưa đáp ứng được điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán (có vốn thực góp tối thiểu 30 tỷ đồng với sàn HNX, 120 tỷ đồng với sàn HOSE; có tối thiểu 100 cổ đông, không kể cổ đông lớn nắm giữ ít nhất 15% cổ phần với sàn HNX, hay tối thiểu 300 cổ đông nắm giữ ít nhất 20% cổ phần với sàn HOSE như quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP) thì theo nhiều ý kiến, có nguyên nhân từ chính sự cố tình trì hoãn của người đứng đầu doanh nghiệp.
Tình trạng này chưa được khắc phục vì dù đã có chế tài xử phạt tại Nghị định 145/2016 sửa đổi Nghị định 108/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán), nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị “trảm”.
Nhìn nhận về câu chuyện này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, tuy chế tài xử phạt doanh nghiệp vi phạm về đưa cổ phiếu lên sàn đã có, nhưng để xử phạt được, UBCK phải tiến hành một số bước để khi xử phạt phải đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý, có tính răn đe cao.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, mới đây, UBCK đã gửi công văn tới những công ty nằm trong danh sách các doanh nghiệp chây ỳ lên sàn để yêu cầu tuân thủ quy định về đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Cơ quan này sẽ tập hợp nội dung phản hồi, giải trình của các công ty về nguyên nhân chậm đưa cổ phiếu lên sàn, trên cơ sở đó phân loại và xử lý các doanh nghiệp không tuân thủ quy định đưa cổ phiếu lên sàn mà không có lý do thuyết phục.
Được biết, sau khi gửi công văn yêu cầu doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, mà các công ty không tuân thủ, UBCK sẽ xem xét áp dụng khung hình phạt cao nhất tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP là phạt 300 - 400 triệu đồng/trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo răn đe, tạo sức ép thúc đẩy các doanh nghiệp khẩn trương đưa cổ phiếu lên sàn.
Việc sớm áp dụng chế tài xử phạt trên được nhìn nhận sẽ tạo sức ép thúc đẩy các doanh nghiệp sau nhiều năm cổ phần hóa sẽ đưa cổ phiếu lên sàn, qua đó, gia tăng nguồn hàng mới cho thị trường, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.