'Cháy' vé tàu xe tết
Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết âm lịch, người lao động đang phải “đau đầu” vì tình trạng khan vé tàu xe, giá “đội” lên gấp nhiều lần.
Người dân mua vé tại Bến xe Miền Đông chiều ngày 9.1 - ẢNH: KHẢ HÒA |
Chặng nào cũng hết vé
Dù là phương thức vận tải mở bán vé muộn nhất nhưng đến nay, hầu hết tất cả các doanh nghiệp vận tải có thương hiệu đều đã thông báo hết vé tết các ngày cao điểm.
Khảo sát tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) trưa qua (9.1), các tuyến đi miền Trung như Quy Nhơn, Tuy Hòa của nhà xe Phúc Thuận Thảo đã báo hết vé tất cả các ngày từ 25 - 29 tết (30.1 - 3.2). Vé đi Nha Trang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng của các nhà xe Chín Nghĩa, Thu Cúc, Hoàng Long, Phương Trang những ngày này cũng đã “khóa sổ”. HTX Bến xe Miền Đông thông báo còn vé đi Quy Nhơn ngày 25 tết nhưng chỉ còn rất ít ghế ngồi. Các tuyến về Tây nguyên, Gia Lai, Đắk Lắk... cũng trong tình trạng tương tự, chỉ một số hãng xe còn vé từ ngày 23 âm lịch trở lại và ngày 29 tết.
Vé tàu, xe dịp tết luôn điệp khúc tăng giá, khan hàng
ẢNH: KHẢ HÒA |
Đáng nói, để tăng cường phục vụ hành khách có nhu cầu mua vé xe tết, Bến xe Miền Đông đã tổ chức thuê thêm 65 xe từ các đơn vị ủy thác, chủ yếu chạy các tuyến miền Trung, Tây nguyên. Tuy nhiên theo ghi nhận, trong khi tại các quầy doanh nghiệp thương hiệu, khách hàng xếp hàng chật vật vẫn không có vé thì các quầy ủy thác gần như vắng tanh.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết đến hết ngày 8.1, Bến xe Miền Đông đã tiếp nhận 50 đơn vị vận tải kê khai hồ sơ tăng giá vé phụ thu trong dịp Tết nguyên đán 2019. Tổng số vé bán dự kiến của 50 đơn vị là 163.674 vé, số vé đã bán là 81.702 vé. Theo đó, một số đơn vị hoạt động trên tuyến “hot” như miền Trung, Tây nguyên đã tổ chức bán vé ngoài bến (khu vực trung tâm, nội đô thành phố), tại các đại lý, trụ sở hoặc bán vé qua mạng từ trước nên vé xe các tuyến này hết rất sớm.
Số lượng vé ngày cao điểm các chặng “hot” của các đơn vị ủy thác vẫn còn, giá vé thậm chí còn thấp hơn các hãng nhưng do tâm lý hành khách quen đi xe thương hiệu, lo ngại xe hợp đồng không chuyên nghiệp nên vẫn chờ các nhà xe tăng phương tiện. “Đối với các tuyến về miền Trung, Tây nguyên, các hãng xe lớn như Phương Trang, Chín Nghĩa, Phúc Thuận Thảo… cũng đang tiếp tục tăng cường thuê xe từ bên ngoài vào hoạt động, hoặc điều động xe từ Bến xe Miền Tây về. Tuy nhiên người dân vẫn nên tham khảo mua vé từ các đơn vị ủy thác cho bến để đảm bảo có vé xe về quê ăn tết”, ông Huy thông tin.
Không chỉ xe khách, vé tàu tết các chặng “nóng” miền Trung, giai đoạn cao điểm từ 23 - 28 tết hầu hết đã “khóa sổ”. Tính đến ngày 28 tết, số lượng vé tàu dịp trước Tết Kỷ Hợi 2019 còn khoảng 7.600 chỗ có ga đi Sài Gòn, Biên Hòa, ga đến từ Nha Trang đến Hà Nội. Trong đó chủ yếu còn từ ngày 25 - 29.1 và 3.2, còn khoảng 7.000 chỗ. Từ ngày 30.1 - 2.2, vẫn còn khoảng 600 chỗ đi các ga phía bắc, các chỗ đường ngắn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn nhưng chủ yếu là ghế phụ.
Giá tăng “chóng mặt”, mua online cũng khổ
Mặc dù giới hạn mức phụ thu vé tết không được quá 60% nhưng thực tế, để có được những chiếc vé về quê ăn tết, nhiều người phải chấp nhận mức giá tăng gấp 2 - 3 lần bình thường. Dù đã lường trước việc tăng giá dịp tết, chị Mỹ Chi (Q.9) chủ động mua vé về Phú Yên vào ngày 25 tết (30.1) từ tháng 12.2018 nhưng giá vé vẫn tăng hơn gấp đôi. Nhà xe Ngọc Cả báo giá 550.000 đồng/lượt, gấp đôi mức 200.000 - 230.000 đồng thường lệ. “Tết nào chẳng vậy, có hỏi thì nhà xe vẫn lặp đi lặp lại điệp khúc “Tết mà em”. Năm nay mới biết đến thông tin nhà nước không cho tăng quá 60% giá vé nhưng nhà xe cũng viện ra đủ mọi loại phí tăng thêm để cộng vào. Đắt cũng phải chịu thôi, có vé về là may rồi”, chị Chi thở dài. Vé từ TP.HCM - Đà Nẵng ngày 24 tháng chạp của nhà xe Thọ Mười cũng báo giá tăng từ khoảng 400.000 đồng ngày thường lên tới 1,8 triệu đồng.
Đặt 3 vé trên mạng về Quy Nhơn ngày 23 tháng chạp của nhà xe Phương Trang, anh Đoàn Chí (Q.1) không chỉ “giật mình” vì giá quá cao mà còn khó chịu khi hệ thống bán vé trực tiếp gặp rất nhiều trục trặc.
Đầu tiên, website giới hạn số lượng vé mỗi lần đăng nhập là 2 nên để có 3 vé, anh Chí phải đăng nhập 2 lần. Trong khi hệ thống liên tục báo lỗi, cứ đến bước thanh toán lại bị thoát ra dù đã có trừ tiền. Liên hệ tổng đài công ty, anh Chí được nhân viên cho hay dù mua vé trên mạng, được gửi lại mã code nhưng anh vẫn phải mang CMND đến bến xe để xuất vé và xác nhận đúng người đi.
Tuy nhiên khi ra đến bến xe, nhân viên tại quầy bán lại khẳng định chỉ cần có mã code cùng số điện thoại, đến ngày anh Chí có thể lên xe đi bình thường. “Tiền thì trừ rồi, cùng nhân viên hãng mà mỗi người nói một kiểu. Cuối cùng đến giờ vẫn không biết có được vé hay chưa. Đến ngày đi, ra tới nơi mà lại bảo không đi được thì khốn khổ”, anh Chí bức xúc.
Mua vé chặng ngắn, trả tiền chặng dài
Sau nhiều năm triển khai mọi biện pháp, tình trạng “cò” ngang nhiên câu kéo khách tại bến xe đã giảm nhiều, nhưng “vé chợ đen” thì vẫn còn. Trong vai người cần mua vé đi Quy Nhơn ngày 26 tết, chúng tôi đến hỏi một quầy bán trong Bến xe Miền Đông thì được thông báo đã hết vé. Chị bán vé chỉ ra ngoài bến hỏi mua trực tiếp tại các xe. Sau một hồi lân la hỏi chuyện, chúng tôi được giới thiệu với một người đàn ông tên T.
Người này nói còn chỗ nhưng chỉ còn vé “súp” (vé nằm giữa hành lang). Tuy nhiên khi hỏi giá vé, ông T. trả lời không biết và yêu cầu đặt cọc 500.000 đồng. “Cứ đặt trước 500.000 đồng, đến ngày tới lên xe đi, thừa thiếu tính sau nhưng chắc chắn là thiếu rồi đấy”, ông nói. Khi chúng tôi thắc mắc vé đắt quá (vé xe khách giường nằm Sài Gòn - Quy Nhơn thường ngày khoảng 230.000 - 280.000 đồng), ông này lớn tiếng “mua thì mua, không mua thì thôi” rồi bỏ đi.
Chị Nguyên (ngụ Q.3) đứng gần chúng tôi cho biết năm nào chị cũng mua vé về Bình Định theo hình thức như vậy. Năm ngoái, đặt cọc 500.000 đồng, khi lên xe được báo giá 750.000 đồng. "Có “chém” hơn nữa cũng phải chịu. Cả năm làm xa ai chẳng mong ngày tết về quê nên phải chấp nhận thôi", chị thở dài đánh thượt.