|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chạy taxi cũng phải nộp lí lịch tư pháp

07:37 | 31/10/2019
Chia sẻ
Hiện nay, việc yêu cầu cấp phiếu lí lịch tư pháp số 2 để giải quyết du học, xuất cảnh, thậm chí chạy xe taxi cũng phải nộp lý lịch tư pháp… đang bị một số đơn vị lạm dụng.
 - Ảnh 1.

Sảnh tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp TP.HCM luôn kín người đến yêu cầu cấp phiếu LLTP - Ảnh: ÁI NHÂN

Không chỉ cá nhân có nhu cầu du học, xuất cảnh, định cư, kết hôn ở nước ngoài bị bắt buộc, phiếu lí lịch tư pháp (LLTP) số 2 còn bị nhiều công ty, đơn vị tuyển dụng lao động hoạt động trong nước bắt buộc người được tuyển dụng phải nộp. Chính điều này gây rắc rối cho người dân.

Đua nhau đi làm LLTP

Khu vực tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ của Sở Tư pháp TP.HCM nhiều tháng qua luôn kín người đến yêu cầu cấp phiếu LLTP. Phần đông là người đến yêu cầu cấp phiếu LLTP để bổ sung hồ sơ đi xin việc lái xe cho các hãng Grab, GoViet...

Anh V.G.Bảo (18 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) đi cùng mẹ đến sở yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 để du học và định cư ở Mỹ. Cùng có nhu cầu cấp phiếu LLTP số 2 như Bảo là rất nhiều trường hợp kết hôn, ra nước ngoài lao động...

Đó là những yêu cầu giải quyết thường ngày mà ông Lê Văn Long, phó chánh văn phòng phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ của sở, vẫn gặp.

Ông Long cho hay ngoài những người có nhu cầu làm LLTP thường thấy, thời gian qua có rất nhiều trường hợp những vị cao niên ở xã, phường được vận động đứng ra lập các quỹ tương trợ, khuyến học, đồng hành cùng người nghèo... với số tiền quỹ khiêm tốn.

Nhưng theo quy định về thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì thành phần hồ sơ của thành viên sáng lập phải thể hiện việc không có án tích. Vì vậy để được lập quỹ, các vị cao niên sáng lập phải đi đến Sở Tư pháp yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2.

Điển hình như mới đây có 5 vị cao niên ở một phường thuộc quận Tân Phú đến sở yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 để sáng lập quỹ khuyến học của địa phương (27 triệu đồng).

"Từ năm 2018 trở đi, theo quy định, chúng tôi áp dụng miễn phí cấp phiếu LLTP cho người cao tuổi. Nhưng các cụ vẫn bức xúc vì rắc rối khi mục đích làm việc tốt, bỏ tiền giúp đỡ, chia sẻ với mọi người. Bản thân các cụ cũng từng là cán bộ hưu trí, đảng viên lâu năm, có uy tín địa phương lại phải cần cấp phiếu LLTP số 2 để xem tình trạng án tích..." - ông Long chia sẻ.

Tương tự, để thành lập các hội ở địa phương có phát sinh quỹ như hội sinh vật cảnh... người sáng lập cũng đến sở làm phiếu LLTP số 2. "Hoặc các nhà sư cũng đến yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 để đưa vào hồ sơ bổ nhiệm trụ trì, chức sắc tôn giáo..." - ông Long nói.

Có thể nói, thông tin cá nhân trong phiếu LLTP số 2 là khá "nhạy cảm". Bởi lẽ người từng bị kết án mà án tích đã được xóa khi yêu cầu được cấp phiếu LLTP số 1 thì tình trạng án tích sẽ ghi "không có án tích".

Thế nhưng cùng người này nếu yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 thì thông tin án tích đã được xóa sẽ bị nêu ra đầy đủ ngày tháng năm tuyên án, số bản án, tòa án đã xử, tội danh...

"Quy định hiện hành ngoài cấp phiếu LLTP số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng thì cũng cho phép cá nhân có quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2. Chính điều này tạo điều kiện cho tình trạng lạm dụng trong việc cấp phiếu LLTP..." - bà Hoàng Thị Hương Lan, trưởng phòng LLTP Sở Tư pháp TP, nhận định.

Chỉ nên cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng

Bà Lan cũng cho rằng quản lý nhân sự ở mức độ nào tương ứng với LLTP nào là phù hợp thì cần phải xem xét để tránh bị lạm dụng như hiện nay.

Ví dụ như những người quản lý những ngành nghề kinh doanh có điều kiện đặc thù như cầm đồ, nhà hàng, khách sạn, karaoke... quy định cần thiết hồ sơ phải có phiếu LLTP số 2.

Bộ Tư pháp cũng đã nhìn nhận rằng từ năm 2012, tình trạng lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng.

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định thực trạng này đã ảnh hưởng tới quyền được bảo vệ tính bí mật cá nhân và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta. Nó cũng làm ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích.

"Để giải quyết tình trạng trên, Sở Tư pháp TP đã kiến nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP năm 2009 chỉ nên cung cấp phiếu LLTP số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng. Còn thông tin phiếu LLTP số 2 vẫn nên xây dựng nhưng chỉ cho công dân được xem trên hệ thống của cơ quan quản lý, không trích xuất dưới bất kỳ hình thức nào như in, sao, chụp..." - bà Lan nêu ý kiến.

Cấp LLTP mỏi cả tay!

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 mới đây, ông Huỳnh Văn Hạnh - giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đã "than phiền" về áp lực cấp phiếu LLTP tại sở.

Báo cáo của Bộ Tư pháp 6 tháng đầu năm 2019, các sở tư pháp cả nước cấp gần 355.000 hồ sơ. Còn riêng Sở Tư pháp TP.HCM đã cấp phiếu LLTP cho hơn 56.000 hồ sơ, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.

Ái Nhân